Những lời dạy của Bác Hồ dành cho ngành Y tế Việt Nam
Thứ hai - 26/02/2024 14:20
Những lời dạy của Bác Hồ dành cho ngành Y tế Việt Nam giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược, đã trở thành tài sản vô giá. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo sức khỏe cho người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe". Vì vậy, muốn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết phải bảo đảm sức khỏe cho toàn dân. Y tế là một ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng con người nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bác đã nhiều lần viết thư căn dặn với những lời dạy giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược, đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Trong những bức thư gửi ngành Y tế, ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bị bệnh, người bị thương, Người đặc biệt quan tâm đến y đức, đạo đức cần phải có của người thầy thuốc Cách mạng, vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 20.4.1963. Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu" (Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3.1948). Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài. Những vấn đề về tinh thần, tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như y đức của người thầy thuốc. Khi gặp "một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ". Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6.1953, Người cũng chỉ rõ: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: "Lương y phải kiêm từ mẫu". Thực hiện theo lời dạy của Người, các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Nội dung "lương y như từ mẫu" nhiều lần được Bác Hồ nhấn mạnh trong những lời dạy dành cho ngành Y tế nước ta. Ngày 31.7.1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân viên Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn". Đặc biệt, ngày 27.2.1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn." Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.
Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27.2.1955.
Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "Đông" và thuốc "Tây"". Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên "học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ", nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như "yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác". Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất. Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 6.2.1985, Hội đồng Bộ trưởng đã đưa ra quyết định ngày 27.2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Hoàng Cường (Báo Sức khỏe đời sống)