Thực hiện Quyết định 2446/QĐ-UBND ngày 5.7.2023 của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai mô hình “khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID tại các cơ sở khám, chữa bệnh” trên địa bàn tỉnh, đến đầu tháng 12.2023, 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp. Tuy nhiên, trước đó, năm 2022, BVĐK tỉnh đã thí điểm mô hình khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp.
Tiện cho bệnh nhân, lợi cho cơ sở y tế
Ngày đầu tuần và cuối tuần là khoảng thời gian cao điểm của khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh) khi lượng người dân đến khám lên đến 2.000 lượt/ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người bệnh khi đi qua khu vực lấy số thứ tự đều nán lại trước bảng thông tin hướng dẫn khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp. Chiều 1.12, bà Trần Thanh Mỹ (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) đến bệnh viện khám, sau khi đọc các thông tin hướng dẫn, bà đến quầy lấy số rồi đến bộ phận tiếp đón xuất trình CCCD để nhân viên y tế quét mã QR. “Lúc trước, tôi cũng khám bệnh ở BVĐK tỉnh thì trình thẻ BHYT kèm theo CCCD nên cũng chờ đợi một chút, giờ thì chỉ cần đưa CCCD cho nhân viên y tế quét là được trả thẻ lại ngay. Không chỉ nhanh, gọn mà còn tiện nữa!”, bà Mỹ nói.
Điều dưỡng Nguyễn Minh Nhật - bộ phận tiếp đón của khoa chia sẻ: Áp dụng khám bệnh bằng CCCD có gắn chíp tiện lợi hơn nhiều vì bệnh nhân quên thẻ BHYT thì chỉ cần quét CCCD là có đủ thông tin. Còn lợi cho nhân viên y tế là làm rất nhanh, chỉ cần đưa CCCD vào đầu đọc thẻ, quét xong thì trả ngay CCCD cho người bệnh. Lợi nhất là dữ liệu thông tin trên CCCD rất rõ ràng, không còn tình trạng sai sót do nhập dữ liệu bằng tay; giảm thiểu gian lận về khám chữa bệnh BHYT.
Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp tại BVĐK tỉnh hiện đạt 70%. Ảnh: M.H |
Với quy mô khám chữa bệnh cả nghìn lượt/ngày, BVĐK tỉnh đã trang bị 60 máy quét CCCD gắn chíp tại khoa Khám bệnh và một số khoa điều trị nội trú đòi hỏi cấp cứu bệnh nhân trong “giờ vàng”. Bác sĩ CKII Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: Từ đầu năm 2023 đến tháng 11.2023, số lượt quét CCCD gắn chíp đăng ký khám chữa bệnh hơn 122 nghìn lượt bệnh nhân, chiếm tỷ lệ hơn 66%/tổng lượt khám tại bệnh viện; riêng tháng 11 tỷ lệ đạt 70%. Khâu thủ tục hành chính đã đơn giản, thuận lợi hơn, nhân viên y tế xác định đúng người bệnh trên thẻ, cũng như tình trạng bệnh sử, thông tin các lần đi khám trước đó như một hồ sơ bệnh án điện tử.
Còn tại TTYT huyện Vân Canh, trung bình khoảng 100 lượt khám/ngày. Bác sĩ CKI Trần Văn Nghệ, Trưởng khoa Khám bệnh, cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, cho biết huyện miền núi phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nên triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp rất tiện; thông tin tên, tuổi, địa chỉ qua CCCD rất chính xác.
Không chỉ thế, khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp còn được triển khai đến các trạm y tế. Y sĩ Lơ O Thị Bình, Trạm y tế xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) cho hay hiện bình quân trạm tiếp nhận khám, chữa bệnh BHYT từ 5 - 15 lượt bệnh nhân/ngày, trừ trẻ em chưa có CCCD còn lại thì người dân đều sử dụng CCCD gắn chíp để khám.
Nhân viên y tế tại TTYT huyện Vân Canh phải nhập dữ liệu BHYT bằng tay và đối chiếu lại hình ảnh trên CCCD cho trường hợp bệnh nhân đi khám BHYT mà CCCD chưa tích hợp thông tin BHYT. Ảnh: M.H |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung, công tác truyền thông, thông tin triển khai khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID thay thế cho BHYT giấy tại các cơ sở khám chữa bệnh được các đơn vị thuộc ngành thực hiện và triển khai đến người bệnh, gia đình người bệnh. Đến nay, 70% người dân khám, chữa bệnh tại BVĐK tỉnh bằng CCCD gắn chíp; các cơ sở y tế còn lại từ 30 - 60%, tỷ lệ này chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tại TTYT huyện Vân Canh, thời điểm bắt đầu triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp vào tháng 4.2023 có rất ít người đến khám sử dụng hình thức này, chỉ
29 lượt/1.439 lượt khám; sau khi đẩy mạnh tuyên truyền thì đến hết tháng 11.2023 tăng lên 892 lượt/1.539 lượt khám. “Nguyên nhân khiến tỷ lệ này chưa cao, trước hết ở thói quen của người dân thường sử dụng thẻ BHYT. Một số người dân có CCCD chưa định danh mức độ 2 và tích hợp với thẻ BHYT, có trường hợp đã định danh mức độ 2 nhưng bị lỗi nên chưa có thông tin thẻ BHYT, hoặc sai dữ liệu trên CCCD - những trường hợp này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhóm bệnh nhân trẻ em chưa có CCCD. Những trường hợp này, nhân viên y tế phải chuyển sang nhập dữ liệu BHYT bằng tay”, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh Lang Đình Bính cho hay.
Đây cũng là hiện tượng các cơ sở khám, chữa bệnh thường gặp phải khi thực hiện bằng CCCD gắn chíp. Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh) - Nguyễn Thị Ngọc Quý nói thêm: Ứng dụng CCCD gắn chíp mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt nếu được triển khai đồng bộ dữ liệu thông tin BHYT, người bệnh sẽ không cần mang nhiều giấy tờ. Chúng tôi yêu cầu tất cả nhân viên bộ phận tiếp đón ưu tiên hỏi trước hết là CCCD của bệnh nhân, kể cả số rất ít bệnh nhân lớn tuổi cực “khó tính” sợ mất CCCD cũng phải khai thác cho bằng được, chỉ khi bệnh nhân không mang theo mới dùng đến thẻ BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn số ít người bệnh chưa có CCCD, hoặc CCCD chưa định danh mức độ 2, hoặc có sai sót dữ liệu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết Sở Y tế tiếp tục đề nghị với các ban, ngành đoàn thể liên quan đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp và đúng trọng tâm, trọng điểm sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID thay thế BHYT giấy. Đồng thời, các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Sở cũng sẽ kiểm tra các đơn vị đạt tỷ lệ thấp trong sử dụng CCCD gắn chíp khám bệnh thay cho thẻ BHYT.
MAI HOÀNG
Nguồn tin: Báo Bình Định:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn