Giúp người khuyết tật cải thiện chất lượng sống

Thứ hai - 15/01/2024 07:39

Giúp người khuyết tật cải thiện chất lượng sống

Không chỉ cung cấp dịch vụ y tế, phục hồi chức năng, các hoạt động của Dự án Hòa nhập 2b tại Bình Ðịnh còn giúp người khuyết tật ở hai huyện Tây Sơn, Phù Mỹ tự tin hòa nhập cuộc sống.
Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật (NKT) tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (dự án Hòa nhập) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Việt Nam, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là cơ quan chủ dự án. Tỉnh Bình Định được tham gia dự án giai đoạn 2 (Dự án Hòa nhập 2b) từ năm 2023 - 2026, với mục tiêu chính là cải thiện chất lượng sống của NKT.
Giúp người khuyết tật sống tốt hơn
Vừa chào đời, T.V.V - con trai thứ hai của ông T.V.H (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) bị khuyết tật vận động, sức khỏe tâm thần có vấn đề. Đến giờ, nhiều sinh hoạt cá nhân của cậu con trai ở tuổi 25 vẫn phụ thuộc vào người thân. Ông H. cho biết, từ hỗ trợ của chính sách nhà nước và các tổ chức, con trai được nhận trợ cấp hằng tháng, có xe lăn để di chuyển. Cho đến tháng 9.2023, với dự án hòa nhập, các bác sĩ đã thăm khám sức khỏe, hướng dẫn phục hồi chức năng (PHCN) và cấp xe lăn mới cho V.
Nhân viên y tế hướng dẫn vật lý trị liệu cho người khuyết tật tại xã Bình Thành (huyện Tây Sơn). Ảnh: M.H
Cũng bị khuyết tật vận động, đến giờ ở tuổi 67, ông N.Đ (thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) được hỗ trợ chăm sóc, PHCN cải thiện phần nào khả năng tự sinh hoạt. “Nhà có NKT gần như phải có một người ở nhà hoàn toàn để chăm sóc, rất vất vả. Kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện trị liệu ở các bệnh viện lớn nên việc được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc trị liệu giúp tôi rất nhiều”, ông Đ. chia sẻ.
Sau cơn tai biến 9 năm trước, anh P.V.N (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) bị liệt một nửa người. Chị N.T.T phải bỏ việc xưởng may để ở nhà chăm sóc chồng do mọi sinh hoạt hằng ngày anh đều không thể thực hiện. Nhờ được dự án  hỗ trợ, đến nay sức khỏe anh N. tốt hơn, ngồi xe lăn và tự làm được một số việc vệ sinh cá nhân.
4 tháng triển khai dự án, tại 2 huyện Tây Sơn và Phù Mỹ đã có 253 NKT được cung cấp dịch vụ PHCN (103 người được nhận dụng cụ trợ giúp gồm xe lăn, gậy, nạng, ván trượt…; 150 người được tiếp cận các dịch vụ vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu).
Bà Đinh Thị Nguyệt, Quản lý dự án Tổ chức CRS tại Việt Nam - một trong những đối tác thực hiện dự án Hòa nhập 2b tại Bình Định, cho hay: Chúng tôi khảo sát, đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tư vấn gia đình chăm sóc NKT tại nhà, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp và chỉnh sửa điều kiện nhà ở, giúp NKT có cơ hội phát triển kỹ năng tự phục vụ, cải thiện chất lượng sống. Với NKT, việc có thể tự vận động, tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cần thiết giúp họ cảm nhận được bản thân mình có ích, làm động lực vươn lên, mở lòng với cuộc sống.
Thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ đa chuyên ngành
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho NKT, dự án còn hỗ trợ ngành y tế tỉnh tăng cường năng lực cho hệ thống PHCN để cung cấp dịch vụ trực tiếp cho NKT; phát triển các dịch vụ xã hội tại cộng đồng thông qua đào tạo PHCN mũi nhọn cho Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, và cơ quan y tế tuyến huyện, xã.
Bác sĩ Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, cho hay: Ngành y tế tỉnh có 14/17 đơn vị khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ PHCN. Trong đó, 4 cơ sở cung cấp dịch vụ PHCN đa chuyên ngành (Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, 3 TTYT TX An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ) với 4 chuyên ngành cơ bản là vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và dụng cụ trợ giúp. Ngoài ra, còn có các chuyên ngành khác như chỉnh hình, tâm lý trị liệu… Việc tổ chức can thiệp nhiều chuyên ngành mang lại chất lượng dịch vụ PHCN an toàn, hiệu quả và toàn diện cho NKT.
Năm 2024, dự án tiếp tục triển khai tại Bình Định. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay sẽ tiếp tục huy động các đơn vị y tế tư nhân như BVĐK Hòa Bình, Bệnh viện Bình Định… tham gia cung cấp dịch vụ PHCN. Đồng thời, Sở cũng kiến nghị USAID đưa nhóm trẻ em khuyết tật vào hỗ trợ, can thiệp, bởi càng can thiệp sớm trẻ càng có khả năng phục hồi tốt.
Ông Anthony Kolb, Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn, Phát triển và Hòa nhập (USAID) khẳng định dự án đang thiết kế theo hướng tăng cường tối đa điều kiện để NKT nhận nhiều hơn sự hỗ trợ.
MAI HOÀNG
 

Nguồn tin: Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây