Trách nhiệm với công việc
Chính thức vào nghề từ năm 2018, tình yêu của BS.CKI Lê Ngọc Thường (SN 1994, Khoa Châm cứu dưỡng sinh và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh) dành cho màu áo blouse ngày càng lớn. Đối tượng chính nơi bác sĩ Thường làm việc chủ yếu là người lớn tuổi, không còn quá minh mẫn, thậm chí có nhiều trường hợp neo đơn, hoàn cảnh khó khăn.
Với đặc thù bệnh nhân như vậy, bác sĩ Thường đặt hai mục tiêu chính là giảm đau tối đa và giúp bệnh nhân tự túc trong sinh hoạt, bằng cách liên tục tìm tòi, nghiên cứu rút ngắn thời gian điều trị cho từng ca bệnh.
“Bên cạnh năng lực, môi trường làm việc đòi hỏi mỗi bác sĩ như tôi cần nhẫn nại, niềm nở để giúp bệnh nhân tin tưởng điều trị. Người lớn tuổi nhạy cảm và dễ cô đơn nên chúng tôi luôn lắng nghe và động viên, xoa dịu tinh thần họ”, bác sĩ Thường tâm sự.
Ở nơi điều kiện sống còn hạn chế, các bác sĩ trẻ cố gắng thích nghi, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kiên định trước khó khăn, thử thách, chọn con đường học vấn và trở thành bác sĩ, chị Đinh Thị Vượt (SN 1990, người Bana, Trưởng Trạm Y tế xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) luôn mong muốn chăm sóc sức khỏe thật tốt cho người dân quê nhà. Thế nhưng, không dễ để thực hiện điều này.
Vì chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với kiến thức y học hiện đại, người dân trong xã ít chủ động đến trạm nhờ hỗ trợ mà tự làm theo lời truyền miệng. Do vậy, ngoài công việc tại trạm, chị Vượt dành nhiều thời gian đến từng hộ giải thích, khuyến khích người lớn tuổi quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng, phụ nữ cần khám sàng lọc trước sinh…
“Có nhiều trường hợp tôi phải đến nhà vận động 3 - 4 lần, người dân mới chịu đến trạm khám bệnh. Tôi không ngại vất vả, chỉ cần người dân chăm sóc sức khỏe thật hiệu quả là được”, chị Vượt khẳng định.
Chọn nghề bác sĩ, người trẻ buộc phải làm quen với áp lực tinh thần. Công tác tại khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh), bác sĩ Huỳnh Ngọc Hưng (SN 1995, quê ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực và tinh thần học hỏi.
Thế nhưng, ít ai biết, bác sĩ Hưng đã trải qua nhiều đêm mất ngủ vì phải luôn tỉnh táo để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân vào đêm khuya và lấy lại cân bằng sau mỗi ca phẫu thuật. Bác sĩ Hưng chia sẻ, với anh, cảm giác khó vượt qua nhất là khi không cứu được bệnh nhân dù đã nỗ lực hết sức.
“Lúc mới vào nghề, tôi tham gia phẫu thuật cho một bệnh nhân khá lớn tuổi. Tôi là người cuối cùng động viên bệnh nhân trước giờ mổ. Thế nhưng, chẳng may trong quá trình phẫu thuật lại xảy ra biến chứng. Khi ấy, tôi phải xin nghỉ phép một tuần để ổn định lại tinh thần. Sau lần đó, tôi dốc sức học và nghiên cứu thật nhiều”, bác sĩ Hưng trải lòng.
Hạnh phúc với nghề
Hạnh phúc lớn nhất của mỗi bác sĩ là cứu được bệnh nhân. Vì mâu thuẫn gia đình, em Đinh Văn Kỳ (SN 2000, ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) suy nghĩ dại dột, tự kết thúc mạng sống. Lúc đó, chị Vượt chở con đi học, tình cờ thấy mẹ Kỳ khóc nên chạy đến đến hỏi thăm và kịp thời sơ cấp cứu.
Chị Vượt chia sẻ: “Chỉ cần trễ chưa đến năm phút, bệnh nhân sẽ mất mạng. Thật may rằng điều đó không xảy ra. Nhìn người nhà hạnh phúc và cảm ơn rối rít, tôi thấy thật hạnh phúc và tự hào về nghề nghiệp của mình”.
Hạnh phúc ấy đôi khi đơn giản chỉ là sự tin tưởng của bệnh nhân và người nhà dành cho bác sĩ. Nghe bác sĩ Hưng ân cần dặn dò, ông Trần Quốc Hoàng (SN 1974, ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) tấm tắc: “Tôi đang điều trị di chứng tổn thương đầu cùng một số bệnh khác nên rất lo lắng, băn khoăn. Bác sĩ Hưng kiên nhẫn trả lời và động viên tôi và người thân bất cứ khi nào thăm, khám”.
Không chỉ công tác chuyên môn, các bác sĩ trẻ với sự sáng tạo, nhiệt huyết, luôn cố gắng hỗ trợ, chia sẻ bằng nhiều hoạt động thiện nguyện. Bắt đầu với mô hình “Cháo yêu thương”, nấu và phát cháo 1 tuần/lần phát cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện từ năm 2018, bác sĩ Thường đã triển khai nhiều đợt thăm, tặng quà, cắt tóc… lan tỏa niềm vui, tinh thần lạc quan cho không ít người bệnh. Song song với đó, anh còn là “đầu tàu” của hơn 100 thành viên CLB 25 (trực thuộc Hội CTĐ tỉnh), thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển.
Chăm chú lắng nghe và trò chuyện với bệnh nhân, bác sĩ Thường chia sẻ, niềm vui lớn nhất của anh là đến gần và được người bệnh quý mến. “Thay vì gọi tôi là “bác ơi, cho tôi hỏi”, những câu như “con ơi, cháu ơi cho cô hỏi” luôn làm tôi thấy ấm lòng bởi điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân coi tôi như con cháu trong nhà. Về phía mình, tôi xem họ là người thân nên sẽ cố gắng thấu hiểu, động viên họ điều trị để chóng khỏe”, bác sĩ Thường nói.
Tác giả bài viết: DƯƠNG LINH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn