Tầm 10 giờ đêm, sau khi biết chị Nguyệt đã qua cơn nguy kịch, anh Thắng và anh Hữu về nhà. Tôi liên lạc với anh Thắng vào ngày hôm sau, anh bảo: “Mình không biết đã giúp ai, chỉ biết anh Hữu nói có người cần, mình giúp được thì giúp thôi. BVĐK khu vực Bồng Sơn thực hiện nghiêm ngặt mọi quy định phòng, chống dịch nên tôi không ngại Covid lắm”.
Anh Hữu cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm nguồn máu dự trữ tại các cơ sở y tế của TX Hoài Nhơn dần cạn kiệt, nhu cầu máu điều trị trở nên rất cấp thiết. Hơn nửa tháng nay, CLB Máu sống Hoài Nhơn giúp gần 10 bệnh nhân, không chỉ ở Hoài Nhơn mà còn từ Hoài Ân, An Lão, thậm chí ngoài tỉnh chuyển viện về BVĐK khu vực Bồng Sơn. “Có những bệnh nhân cần đến 2 - 3 đơn vị máu, CLB vẫn nỗ lực tìm kiếm người có nhóm máu tương thích để giúp họ”, anh Hữu cho hay.
Cũng như anh Hữu, tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), chị Nguyễn Như Quỳnh - Trưởng Ban Truyền thông của CLB 25 Bình Định, ngày nào cũng trong tình trạng quá tải cuộc gọi nhờ giúp tìm người hiến máu cứu người nhà. Chị áng chừng, so với những tháng đầu năm, năng suất xử lý cuộc gọi thời gian qua cao hơn bình quân 5 - 7 lần. Thông qua chị Quỳnh, chúng tôi chuyện trò với một số người vừa hiến máu tình nguyện. Họ thú thật là “có ngại Covid”, bởi gia đình còn con nhỏ, người già, người có bệnh nền, cũng có trường hợp người thân tỏ ra không đồng tình.
“Vậy mà cũng đi sao?”, tôi hỏi chị Nguyễn Linh Chi ở Quy Nhơn, đang có con nhỏ. Chị cho biết, lần lữa một hồi rồi “cũng quyết định đi, bởi nghĩ đến việc cứu được ai đấy, mình đã làm được một việc tốt trong khả năng của mình, vậy là thôi băn khoăn và hăng hái hơn”. Ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), sáng 19.8, chị Hà Thị Cẩm Tài nhận cuộc gọi của một người mẹ, cho biết con của bà bị tai nạn chấn thương nặng, đã xin máu 2 người rồi nhưng vẫn chưa đủ. Vậy là chị bỏ dở gánh rau đang bán, từ thôn Vinh Quang 2 đón xe chạy vào Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Xong xuôi quay về nhà đã gần 12 giờ trưa nhưng lại thấy vui.
Hiến máu lúc dịch bệnh hoành hành có những kỷ niệm “rất riêng”. Chị Linh Chi nhớ mình phải chạy tới chạy lui, hoàn thành 7 thủ tục mới được… hiến máu, bởi vì chị đi hiến máu ngoài giờ hành chính, phải xin bảo vệ giấy chuyển viện từ BVĐK tỉnh sang Bệnh viện Bình Định làm test nhanh. “Những lần trước, hầu như người nhà hoặc người đi cùng làm giúp tôi để rút ngắn thời gian hiến máu. Nhưng nhiều cảm xúc hơn cả vẫn là hai ngày sau đó, Quỳnh CLB 25 nhắn tôi đi khai báo y tế ở nơi gần nhất vì trong khoa Nội thận - Lọc máu có bệnh nhân là F0!”, chị Chi kể.
Bảy tỏ sự cảm kích những người hiến máu tình nguyện đột xuất trong thời gian qua, bác sĩ Võ Đình Lộc - Trung tâm Huyết học Truyền máu BVĐK tỉnh, cho biết, kế hoạch hiến máu tình nguyện tập trung trong tháng 8 bị hoãn, không có máu để bổ sung vào nguồn dự trữ, việc hiến máu cứu người đột xuất vì thế góp phần rất quan trọng. Ưu tiên hàng đầu trong việc huy động máu luôn là người nhà bệnh nhân, thế nhưng, không ít trường hợp người nhà vừa chích ngừa, vừa hiến máu giúp một người khác, đang uống thuốc, đang ốm đau hoặc bệnh nhân cần nhiều đơn vị máu hơn số lượng máu người nhà có thể cung cấp.
Bác sĩ Lộc cho biết, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh đã có những giải pháp và luôn tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức những đợt hiến máu tình nguyện tập trung. “Vừa rồi, Ban Chỉ đạo tổ chức được một đợt hiến máu tập trung ở huyện Vân Canh. Theo kế hoạch, sắp tới sẽ tổ chức tiếp tại 2 huyện An Lão và Hoài Ân. Người đến hiến máu tại điểm tập trung sẽ được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và đảm bảo 5K trong khu vực hiến máu. Mong mọi người cùng nhiệt tình đăng ký tham gia các đợt hiến máu tập trung và sẵn sàng hiến máu đột xuất, để cứu bệnh nhân cần máu trong điều kiện khó khăn do Covid-19 hiện tại”, bác sĩ Lộc kêu gọi.
Tác giả bài viết: Ngọc Tú
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn