Những tình nguyện viên “đặc biệt”

Chủ nhật - 24/10/2021 08:35
Họ là những người không ngại hiểm nguy, lây nhiễm đã tự nguyện góp sức mình cùng Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đồng bào Bình Định ở TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chuyến xe thứ 2 chở gần 40 tấn hàng vào miền Nam hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Chuyến xe thứ 2 chở gần 40 tấn hàng vào miền Nam hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Cùng với những “cánh chim đầu đàn” của Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh (Hội ĐHBĐ) như anh Đồng Trần Việt Ái, Phó Chủ tịch Hội ĐHBĐ, Chủ tịch Hội Đồng hương TP Quy Nhơn, Trưởng ban Hỗ trợ đồng hương về quê; anh Phạm Khắc Toàn, Phó Chủ tịch Hội ĐHBĐ; anh Phan Văn Phúc, Ủy viên Ban chấp hành Hội Đồng hương An Nhơn tại TP Hồ Chí Minh… dưới đây là những gương mặt tiêu biểu trong công tác thiện nguyện của Hội ĐHBĐ.
Tuổi trẻ là phải cống hiến
 
Với vai trò là Phó Ban truyền thông Hội ĐHBĐ, Chủ tịch Hội Đồng hương Hoài Ân, anh Nguyễn Ý Nhạc (SN 1987, hiện làm việc tại Công ty Manulife Việt Nam) đã tạm gác công việc, tiên phong xung kích vào tâm dịch để hỗ trợ bà con đồng hương tại TP Hồ Chí Minh, tiếp sức chống dịch và nhất là thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Bình Định.
Anh Nhạc chia sẻ: Một số người không cảm thông lại cho rằng chúng tôi chơi trội, muốn thể hiện nhưng khi nghĩ về tình đồng hương, nhất là khi trực tiếp trò chuyện, lắng nghe bà con Bình Định chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi lại động viên cùng góp sức hỗ trợ đồng bào!
Khép lại một hành trình thiện nguyện ý nghĩa hơn 3 tháng qua, thấu hiểu nghĩa tình đồng hương, sự đoàn kết, sẻ chia nhau trong mọi hoàn cảnh khốn khó, anh Nhạc đúc kết, mình còn trẻ mình phải cống hiến chứ!
Xung kích trong mọi hoạt động
 
Anh Vũ Khánh Vương (SN 1993, quê xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) hiện là Giám đốc một công ty chuyên về phần mềm quản lý kho và vận tải - là một trong những người hăng hái tham gia công tác tình nguyện của Hội ĐHBĐ.
Liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 10.2021, anh cùng các tình nguyện viên ngày đêm liên tục tổ chức nhiều đợt hỗ trợ thực phẩm, rà soát danh sách đưa bà con về quê, trực tiếp đến sân bay, bến xe hỗ trợ bà con thực hiện thủ tục. Có nhiều trường hợp đến phút chót chuẩn bị về quê lại có kết quả dương tính với
SARS-CoV-2 đành phải ở lại, anh Vương cùng các tình nguyện viên lại vừa hỗ trợ họ di chuyển đi cách ly điều trị, vừa tìm cách lắp người khác vào danh sách về quê vì một chỗ trên chuyến bay, chuyến xe những ngày ấy rất quý giá…
“Hầu hết anh em tình nguyện viên đều có công việc riêng, nhưng họ gác lại tất cả để hướng về đồng hương. Tôi cũng thế, không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy đồng bào Bình Định cần giúp đỡ mà mình thì lại có sức trẻ, có kỹ năng để xung kích hỗ trợ”, anh Vương bộc bạch.
Hạnh phúc khi được sống có ý nghĩa
 
Chị Lê Thị Hồng Nhiệm (SN 1996, quê ở TP Quy Nhơn) hiện đang làm nhân viên tại một công ty xuất nhập khẩu, tham gia hỗ trợ đồng bào Bình Định ở TP Hồ Chí Minh ngay từ những ngày dịch Covid-19 vừa bùng phát.
Chị Nhiệm thổ lộ: “Lúc ấy, tôi vừa làm việc, vừa lo hoàn thành luận văn thạc sĩ, nhưng nghe các anh chị nhắn nhủ, lại chứng kiến cảnh bà con mình rối bời trong dịch bệnh, không cầm lòng được nên đã sắp xếp thời gian cùng các anh chị tình nguyện hỗ trợ bà con. Nhiều bà con ở quê nhà liên lạc với chúng tôi, đề nghị giúp đỡ cho người thân họ ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phải vừa cẩn trọng rà soát danh sách đăng ký hồi hương đúng người, vừa chia sẻ, động viên để những người ở quê nhà an tâm, nhằm làm giảm áp lực cho anh chị em tình nguyện viên. Đi qua đợt dịch tôi thấy hạnh phúc vì đã làm được một chút gì đó cho đồng bào, có được mấy tháng liền sống rất có ý nghĩa”.
Góp sức xây dựng quê hương Bình Định
 
Anh Tô Duy Long (SN 1993, quê xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) hiện đang làm công việc quản lý bán hàng ở TP Hồ Chí Minh, tham gia hỗ trợ bà con Bình Định về quê từ tháng 9 - 10.2021. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng nghìn người Bình Định ở TP Hồ Chí Minh bị mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ. Không ít tình nguyện viên góp sức, góp của trong việc hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn. Khi tham gia hỗ trợ bà con đồng hương về quê bằng những chuyến xe miễn phí, anh Long tạm gác lại công việc riêng, dành toàn bộ thời giam tham gia tổ chức đưa bà con về quê; cung cấp lương thực, thực phẩm…
Anh Long chia sẻ: Tụi mình đã nhắc nhở nhau thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 rất kỹ lưỡng nhưng cũng xác định ai cũng có thể thành F0 bất cứ lúc nào. Vì vậy các gói công việc đều được làm chung - phòng khi có người buộc phải tạm dừng để đi cách ly - mọi thứ vẫn không bị gián đoạn. Có đi vào thực tế mới thấy bà con mình có vô vàn điều cần giúp đỡ, nhiều thứ tuy rất đơn giản như - khai báo y tế, tải ứng dụng vào điện thoại để chụp mã QR… nhưng gặp phải bà con nghèo không dùng điện thoại thông minh, các cụ già lại thành phức tạp, lúc đó tụi mình làm con cháu, người thân của họ. Thành ra tụi mình gần như làm việc không có thời gian nghỉ ngơi. Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhiều bạn nam trông cứng rắn thế mà không cầm được nước mắt đấy! Bà con đồng hương cần mình thì mình có mặt!   
 

Tác giả bài viết: Theo Báo BĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây