Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Ðào Duy Tùng (20.5.1924 - 20.5.2024) Ðồng chí Ðào Duy Tùng với tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao

Thứ hai - 20/05/2024 08:46
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20.5.1924 tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước ở vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng chí sớm hình thành tư tưởng yêu nước và ý chí cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao.
Đồng chí Đào Duy Tùng (bìa phải) thăm và duyệt phác thảo tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội năm 1987.  Ảnh tư liệu
Đồng chí Đào Duy Tùng (bìa phải) thăm và duyệt phác thảo tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội năm 1987. Ảnh tư liệu
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ cán bộ Mặt trận Việt Minh ở cơ sở, đồng chí nhanh chóng trưởng thành trên các cương vị là Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Tháng 1.1953, khi kết thúc lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc. Khi Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc mở lớp học lý luận dài hạn đầu tiên, đồng chí tiếp tục tham gia học lớp nghiên cứu sinh kinh tế.
Qua quá trình đào tạo, đồng chí Đào Duy Tùng đã trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành nhà lãnh đạo cao cấp, tài năng của Đảng. Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, đồng chí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học, góp phần hình thành cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Vào thời kỳ đổi mới và trong suốt thập niên đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng.
Trước Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí đã dày công xây dựng bản Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề quan điểm kinh tế và được thông qua tại Đại hội VI, đánh dấu sự đổi mới rất cơ bản về tư duy kinh tế của Đảng. Sau Đại hội VI, trên cương vị Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, lý luận và khoa giáo, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Thường trực Ban Soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển KT-XH. Đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị ngày đêm trăn trở, tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và được Đại hội VII thông qua.
Từ Đại hội VI đến Đại hội VII và trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội VIII, nhất là khi giữ chức Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, đồng chí đã tập trung trí tuệ, tâm huyết tổng kết sự phát triển đổi mới tư duy của Đảng, vừa góp phần xây dựng văn kiện, vừa góp phần truyền đạt tư tưởng đổi mới của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Với tư duy đổi mới và sắc sảo, đồng chí cho rằng, để đổi mới tư duy thì đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng.
Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, luôn tìm tòi, sáng tạo những vấn đề mới để vượt lên. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100”, “khoán 10” đến Cương lĩnh đổi mới đất nước.
Trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói, “ba quan điểm kinh tế”, “bốn nguy cơ” và “hai điều đánh giá tổng quát” về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.
NGỌC HIỀN
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây