Triển khai giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan cải cách hành chính phải thực chất, hiệu quả
Thứ năm - 30/05/2024 08:46
Ngày 29.5, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh chủ trì cuộc họp (phiên họp thứ nhất) để nghe báo cáo kết quả các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính (PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI) năm 2023 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện kết quả trong năm 2024.
Dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, Sở Nội vụ và Sở KH&ĐT đã báo cáo kết quả chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của tỉnh. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2023, tỉnh Bình Định đạt 43,57 điểm; tăng 19 bậc so với năm 2022 và xếp hạng 19/61 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm trung bình cao. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh đạt 83,73%, xếp vị trí 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2022, vị trí 4/14 các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2023 tỉnh Bình Định đạt 87,29%, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,26 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2022) và xếp vị trí 8/14 các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Điểm số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Định năm 2023 là 67,44 điểm, tăng 0,79 điểm so với năm 2022, xếp 25/63 tỉnh, thành phố, giảm 4 bậc so với năm 2022 (21/63). Tỉnh Bình Định thuộc nhóm 30 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong năm 2023. Về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Bình Định đạt 23,37 điểm, tăng 8,19 điểm so với năm 2022. Thông qua việc phân tích cụ thể các chỉ số nội dung, chỉ số thành phần của các chỉ số liên quan đến công tác CCHC, nhất là những nội dung có điểm thấp, giảm điểm so với năm trước, lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở KH&ĐT đã đề xuất các giải pháp chi tiết, gắn với nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương để có thể giữ vững, cải thiện các chỉ số trong năm 2024. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho rằng công tác CCHC thông qua việc đánh giá kết quả của 4 chỉ số trên dù có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại cần nhanh chóng được khắc phục. Vẫn còn nhiều dư địa để Bình Định cải thiện các chỉ số, tăng điểm, tăng bậc trên bảng xếp hạng của các chỉ số. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khôi phục lại các đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh kịp thời của người dân và DN, xem đây là kênh thông tin quan trọng để kịp thời chấn chỉnh những điểm hổng, nhất là thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cần có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể cho UBND cấp xã trong việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 để cải thiện các nội dung liên quan. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: Việc cải thiện các chỉ số liên quan đến CCHC là cơ sở cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, thái độ, cung cách phục vụ người dân và DN, xây dựng chính quyền thân thiện. Trên cơ sở đề xuất của Sở Nội vụ và Sở KH&ĐT, các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng một kế hoạch chi tiết về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến, gửi về Ban chỉ đạo để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung của tỉnh. Trong tháng 6.2024, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến các nhiệm vụ, giải pháp, có kết nối đến tận cấp xã. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta không chạy theo thành tích mà phải làm thực chất. Mục tiêu lớn nhất của công tác CCHC không phải là vị trí trên bảng xếp hạng mà chính là sự hài lòng của người dân và DN”. NGUYỄN MUỘI