Chung tay bảo vệ trẻ mồ côi khỏi nguy cơ bị xâm hại
Thứ sáu - 31/05/2024 07:48
Trẻ em mồ côi là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cần có sự quan tâm đặc biệt hơn. Những năm qua, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ đang ngày ngày gánh chịu bất công, thậm chí là hiểm nguy.
Nhiều nguy cơ rình rập Nhiều năm qua, chị Đinh Thị Dom (ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh) là điểm tựa của những trẻ mồ côi tại địa phương, trong đó có N. (14 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ). Sau khi biến cố liên tiếp xảy ra với N., em sống thu mình, khép kín. Chị Dom kể, chị thường mang đồ ăn và những bộ quần áo cũ cho N. Nhờ qua lại thường xuyên, chị phát hiện những bất thường trong tâm lý của em. N. kể cho chị Dom nghe về những lần bị kẻ lạ gõ cửa. Một trong số những người thường xuyên quấy rối có một người bà con của N., mỗi chiều hay ghé qua giúp em dọn nhà và đòi khóa cửa để “tâm sự riêng” với em. Những lần như thế, N. đều cự tuyệt và qua nhà bạn học cùng lớp hoặc nhà chị Dom để ngủ nhờ.
Trẻ em mồ côi tham gia tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Ảnh: Hội Bảo trợ NKT&BVQTE
“Nhiều người còn cho rằng cháu đã đến tuổi lấy chồng nên chuyện có người gõ cửa là bình thường. Đó là suy nghĩ sai lệch. N. đang ở độ tuổi tương lai rộng mở, tôi tự nhủ phải để tâm đến cháu nhiều hơn để những kẻ có ý định xấu không có cơ hội giở trò”, chị Dom kể. Không chỉ bị quấy rầy, các em không còn cha mẹ bên cạnh thường gánh chịu những sự phân biệt đối xử, bất công bởi chính những người họ hàng. Nén nỗi buồn vào lòng, H. (ở xã An Hưng, huyện An Lão) kể lại, ngôi nhà mà bố mẹ trước khi mất để lại cho em thường bị họ hàng đến đòi lại. Trong đó, có một người bác họ thường tự ý đến lấy những vật dụng trong nhà đem đi. Thế nhưng, em không dám lên tiếng vì sợ họ hàng sẽ quay lưng, mất hết chỗ dựa. Không chỉ có thế, H. nhiều lần bị bà con bắt nghỉ học, kể cả những buổi có bài kiểm tra để phụ họ dọn rẫy, phát chồi keo, trông em. Cần sự chung tay của toàn xã hội Trên thực tế, hầu hết các em khi bị quấy rối có tâm lý co cụm, không dám thổ lộ hoặc thậm chí là không biết mình bị quấy rối. Chính vì vậy, sự giúp đỡ từ xã hội - ngôi nhà thứ 2 của các em có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên môi trường “trong”, “sạch” để các em phát triển như bao đứa trẻ khác. Chị Đỗ Thị Thúy Phượng (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) là trưởng nhóm “Tư vấn tâm lý trẻ em” trên mạng xã hội, đã gặp qua rất nhiều trường hợp trẻ mồ côi thổ lộ bị xâm hại và bóc lột sức lao động từ chính người thân của mình. “Sự quan tâm về vật chất cho trẻ em mồ côi là cần thiết, tuy nhiên sự chăm sóc về tinh thần mới là quan trọng nhất. Tôi luôn tận dụng mọi cơ hội được trò chuyện, tâm sự với các em là trẻ mồ côi. Nhờ mạng xã hội, tôi được biết đến nhiều đứa trẻ mồ côi đang phải gánh chịu rất nhiều mối nguy”, chị Phượng kể.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục; cứ 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân, trong đó chiếm 47% là họ hàng, người trong gia đình.
Tại các địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và những người bảo trợ như chị Dom cũng đã góp phần ngăn chặn vấn nạn trên. “Trong năm 2023, tôi đã báo cáo lên CA xã, trưởng thôn về những trường hợp khả nghi. Trong đó, có một trường hợp cháu gái bị hàng xóm cho xem những video đồi trụy. Từ khi báo cáo, kẻ gian đã không dám thực hiện hành vi đó nữa”, chị Dom kể. Để tăng sự hiểu biết của trẻ em mồ côi về vấn nạn xâm hại trẻ em, nhiều năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Đây là cơ hội để trẻ mồ côi được trau dồi kiến thức và kỹ năng bảo vệ mình trong cuộc sống có nhiều phức tạp. Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, hiện nay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em còn xảy ra đối với trẻ trai. Ngoài việc phối hợp với các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng, giúp đỡ các em mồ côi có điều kiện học tập, Hội còn quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ mồ côi, nhằm lắng nghe, bảo vệ, chăm sóc đời sống tinh thần của các em một cách tốt nhất. “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương quan tâm đến đối tượng đặc thù này. Đây là vấn nạn không được xem nhẹ vì trẻ mồ côi vốn dĩ đã thiệt thòi nên cần có sự chăm sóc đặc biệt”, ông Quang nói. XUÂN QUỲNH