KỶ NIỆM 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969 - 2024): “Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng
Thứ tư - 28/08/2024 07:41
Thời gian “Di chúc” của Bác để lại trước lúc vĩnh biệt thế giới này đã trải qua 55 năm. Thế nhưng, những lời căn dặn đầy tâm huyết của Người vẫn mang tính thời sự, nhất là về rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng của người cộng sản trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.
Cái thật của đạo đức phải có chỗ đứng Trong “Di chúc” có đoạn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Ở đây, chữ “thật” được nhắc đến 4 lần cho thấy Người rất có chủ ý về tầm quan trọng của “đạo đức cách mạng” và tính “thật”, độ “thật” của nó. “Thật” đối nghịch với “dối trá”. Khi cái thật được đề cao, thậm chí cái thật của yếu kém, khuyết điểm được nhìn nhận khách quan, minh bạch không giấu giếm, né tránh thì cũng là lúc cái dối trá bị ngăn chặn, khó có cơ hội tồn tại và phát tán. Khi cán bộ, đảng viên thật sự có nhân cách, có đạo đức cách mạng mới thực hiện hiệu quả phương châm “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc (1951).Ảnh tư liệu
Sự dối trá về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên càng gây nhiều hệ lụy khôn lường, là trở ngại lớn cho xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Nếu không “thực sự thấm nhuần” thì “đạo đức cách mạng” có thể chỉ là “hô khẩu hiệu”, hoặc biến tướng, trá hình thành những thứ chủ nghĩa cá nhân. Chừng nào chưa “thực sự” quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì chừng đó cách mạng vẫn chưa thành công hoàn toàn, vì hệ lụy các tật xấu của nó vẫn ngấm ngầm gặm nhấm và làm suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, dẫn đến phá hoại sự nghiệp xây dựng chế độ XHCN. “Đảng ta là một đảng cầm quyền” - trong điều kiện duy nhất Đảng ta cầm quyền thì dễ phát sinh thói “kiêu ngạo cộng sản” nên Bác đã cảnh báo và căn dặn cán bộ đảng viên phải “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Nếu không “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, quên mình là “đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thì đó cũng là lúc “bệnh quan cách mạng”, “bệnh kiêu ngạo” trong cán bộ, đảng viên bùng phát và hẳn nhiên sự khiêm tốn, cầu thị sẽ không còn đất sống. Bệnh kiêu ngạo dễ dẫn đến mất dân chủ, xa dân, sai về đường lối, hư hỏng về đạo đức, là nguy hại của đảng cầm quyền và tương lai của dân tộc. “Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” giúp Đảng ta mạnh và trường tồn Dưới CNXH, mục đích chính trị và đạo đức của giai cấp vô sản là thống nhất. Cán bộ đảng viên nếu thiếu phẩm chất đạo đức cách mạng thì không thể nói là có quan điểm lập trường chính trị vững vàng. Bác từng nói: “Tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”. Thiếu và không “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, cán bộ, đảng viên sẽ trở thành những kẻ âm thầm phá hoại sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị của chế độ XHCN, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc từ bên trong, triệt tiêu động lực và làm chệch hướng phát triển của XHCN. Tính “tiên phong”, “nêu gương” vừa là những giá trị đạo đức nhưng cũng đồng thời được thể chế hóa trong “Điều lệ Đảng” và “Quy định về những điều đảng viên không được làm”, vì nó là hạt nhân của sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh, sự thành công của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sống động trong thực tiễn, toàn diện trên mọi lĩnh vực và thống nhất của sự gương mẫu cả về “nói”, “viết” và “làm” theo đúng đường lối, nghị quyết của Đảng. Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hay làm khác với nói là những biểu hiện rõ nét nhất của thói đạo đức giả. Chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh nên phải ngăn chặn sự khủng hoảng, xuống cấp của đạo đức, nhất là thói đạo đức giả, nên càng không thể chấp nhận cán bộ, đảng viên là những kẻ đạo đức giả mà vẫn đi tuyên truyền, dạy dỗ người khác về đạo đức. Tham nhũng và những tệ nạn xã hội suy cho cùng là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nó thường bắt nguồn từ sự sa ngã, biến chất về đạo đức và lối sống. “Nhà dột từ nóc”, nên hiểm họa nếu bắt nguồn ở những cán bộ đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý từ trong tổ chức Đảng, từ những ngành quan trọng và cấp bậc cao thì càng rất nguy hiểm. Ngược lại, người đứng đầu có sự tiên phong, gương mẫu về đạo đức cách mạng, có năng lực tổ chức sẽ quyết định trực tiếp đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tệ nạn xã hội. Bởi lẽ, họ ý thức rằng một khi cái xấu xa không bị lên án mà được dung túng bởi người đứng đầu thì nó sẽ càng có cơ hội tồn tại và lây lan rất nhanh. Có thể thấy, những lời di huấn đầy trách nhiệm của Bác về mối quan hệ máu thịt giữa “Đảng cầm quyền” với “đạo đức cách mạng” của “cán bộ, đảng viên” vẫn đang là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau. Học tập và làm theo “Di chúc”, mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu thường xuyên trong “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Đó cũng là cách thực hành tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với Người. Đó cũng là mục tiêu chính trị và lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc ta. NGUYỄN VĂN HIỀN (Trường Chính trị tỉnh)