Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022): Khẳng định sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam

Thứ sáu - 09/12/2022 09:10

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022): Khẳng định sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần tạo thế và lực mới tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân năm 1953 - 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý để ta tổ chức các chiến dịch với quy mô lớn hơn.
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi bước vào Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh: qdnd.vn
Trước hết, đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh; phương châm tác chiến là “Đánh điểm, diệt viện”. Xác định rõ mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc.
Điểm nổi bật trong Chiến dịch Tây Bắc là nghệ thuật nghi binh, giữ bí mật được tổ chức bài bản, khoa học, làm cho kẻ thù bị bất ngờ và liên tục phạm sai lầm. Trong chiến dịch này, ta đã kết hợp chặt chẽ nghi binh với công tác phòng gian, giữ bí mật; nghi binh trên nhiều hướng, sử dụng nhiều lực lượng, nhiều đơn vị; nghi binh từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch. Quân ta tiến công mở màn bằng những trận đánh nhỏ tiêu diệt những vị trí vành ngoài ở Nghĩa Lộ, như: Sài Lương, Bản Trại, Ca Vịnh, Ba Khe... Chính đòn nghi binh này đã làm cho địch chủ quan, phán đoán sai hướng tiến công chính, không có kế sách đối phó rõ ràng.
Không chỉ nghi binh, bảo đảm bí mật hướng tiến công chiến lược trong giai đoạn đầu mà trong quá trình diễn ra chiến dịch, ta vẫn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nghi binh, làm cho địch bất ngờ về hướng tiến công chủ yếu của ta trong đợt 2. Trong khi địch lầm tưởng ta sẽ đánh lên Lai Châu và vội điều lên 2 tiểu đoàn tăng cường, thì các trung đoàn chủ lực của ta bí mật vượt sông Đà tiến công tiêu diệt địch ở Mộc Châu, mở toang cánh cửa vào Sơn La.
Ngoài ra, trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của quân và dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu cùng với sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu cao của các lực lượng tham gia chiến dịch mà nòng cốt là các đại đoàn chủ lực. Cấp ủy, chính quyền, quân và dân các địa phương, trực tiếp là các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc phát huy tinh thần yêu nước, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vừa tích cực đánh giặc bảo vệ hậu phương, vừa tham gia phục vụ kháng chiến, cung cấp sức người, sức của đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi. Công tác huy động lực lượng phục vụ, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch tiến hành chu đáo, khẩn trương với quy mô lớn; hoạt động phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, nhất là chiến trường sau lưng địch với chiến trường Tây Bắc được tiến hành đồng bộ...
Kết quả, sau 2 tháng mở chiến dịch, ta đã diệt, bắt sống và làm bị thương hơn 6.000 tên địch; xóa sổ nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động của địch; làm thất bại hoàn toàn âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. Có 8/10 phần đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai của Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn. Ta giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương. 
CHÍ TOÀN
 

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Trung tâm huấn luyện sơ cứu
LIÊN KẾT WEBSITE
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay532
  • Tháng hiện tại64,580
  • Tổng lượt truy cập3,578,985
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây