Nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về hội

Thứ hai - 08/06/2020 11:00
Chồng chéo trong bộ máy tổ chức, chính sách cho cán bộ hội đặc thù chưa phù hợp..., nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về hội cần được sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội.
Hội CTĐ là hội đặc thù có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Hội CTĐ là hội đặc thù có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Hội phát huy tốt vai trò
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, các tổ chức hội, quỹ trên địa bàn tỉnh thường xuyên củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường; tham gia công tác tư vấn, giám sát, phản biện xã hội; phối hợp tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích của tổ chức hội. Nhiều tổ chức hội, quỹ đã phát huy vai trò tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; vận động hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh.
 
 
Hội CTĐ là hội đặc thù có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở địa phương.
- Trong ảnh: Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, trao quà cho người dân khó khăn tại Phiên chợ nhân đạo năm 2020 diễn ra tại làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGỌC TÚ
 
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2014 - 2019, các cấp hội Khuyến học trong toàn tỉnh đã vận động được hơn 19 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, khen thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập. Còn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là 3,4 tỷ đồng. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã xây dựng các bếp ăn tình thương, phục vụ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các cơ sở y tế...
Tuy nhiên, vẫn có một số hội chưa phát huy hết vai trò, chức năng; hoạt động mang tính hình thức, nội dung, phương thức hoạt động kém hiệu quả, chậm đổi mới, chưa thực sự gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của hội viên. Một số hội chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, chưa chủ động tạo nguồn kinh phí để hoạt động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có xu hướng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động hội theo cấp hành chính.
Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định giải thể đối với 3 hội hoạt động không đúng điều lệ, tôn chỉ, mục đích và không chấp hành thời gian tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định (Hiệp hội Vận tải; Hiệp hội giấy, bao bì carton; Hiệp hội Làng nghề). Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang cho biết, tới đây sẽ tiếp tục xem xét giải thể một số hội không tập hợp được hội viên, không có kinh phí hoạt động.
Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Tính đến hết tháng 5.2020, toàn tỉnh có 1.065 hội, trong đó có 656 hội có tính chất đặc thù. Bất cập nảy sinh từ chuyện hội được công nhận “có tính chất đặc thù”, bởi quy định hội nào ra đời sau thời điểm Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010 của Chính phủ (quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội) có hiệu lực thi hành thì không được công nhận là hội đặc thù.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 trở về trước, UBND tỉnh đã bố trí 92 biên chế cho các tổ chức hội có tính chất đặc thù; trong đó cấp tỉnh có 59 biên chế, cấp huyện 33 biên chế. Kể từ năm 2020, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và các quy định của Bộ Nội vụ về quản lý biên chế, UBND tỉnh không thực hiện việc giao biên chế đối với các tổ chức hội mà thực hiện việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho các hội.
“Nhiều cán bộ quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước chuyển sang làm việc ở các hội đặc thù theo trách nhiệm của người công chức, đảng viên. Đáng ra khi chuyển sang cơ quan mới phải được đảm bảo chế độ, chính sách chứ không thể nói là “hỗ trợ” được. Điều này khiến một số cán bộ không tránh khỏi tâm tư”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định về hội còn nhiều điểm bất cập. Ở cấp tỉnh có Ban Đại diện Hội Người cao tuổi, người đứng đầu là Trưởng ban; ở cấp huyện lại gọi là Hội Người cao tuổi, người đứng đầu là Chủ tịch hội. Ở tỉnh có Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh trực thuộc Hội VHNT tỉnh, nhưng cũng có Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh... “Thiếu thống nhất ngay từ tên gọi đến hệ thống tổ chức gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước”, Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang nêu ví dụ. 
Trong đợt kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ năm 2020 tại Bình Định mới đây, ông Phạm Trung Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) cho biết đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi những bất cập. Trong đó, cần sớm ban hành luật về hội, sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP. Các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thống nhất từ Trung ương đến địa phương; hướng dẫn cụ thể và quy định rõ các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho các hội để làm cơ sở cấp kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Trang

Nguồn tin: Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây