Năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Người đã viết tác phẩm
“Sửa đổi lối làm việc”, nghiêm khắc chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, như: Bệnh chủ quan; hẹp hòi; kiêu ngạo; tham lam; hữu danh, vô thực; xu nịnh, a dua; kéo bè, kéo cánh... Trong đó, “bệnh hẹp hòi” là một trong những căn bệnh nguy hiểm, cản trở con đường tiến lên của Đảng. Vì vậy, Người đã chỉ ra nguyên nhân, biểu hiện, tác hại, cách phòng, chống và tẩy trừ căn bệnh này.
“Bệnh hẹp hòi” là gì? Người chỉ rõ: “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người kia… chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi”. Người nhấn mạnh: “Có nhiều đồng chí… Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”.
Hẹp hòi là căn bệnh vì lợi ích cá nhân mà ra. Căn bệnh này trầm kha ở một bộ phận cán bộ có chức, có quyền nhưng còn hạn chế về đạo đức cách mạng, “chữ tâm” chưa được rèn giũa.
|
“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
|
Về nguyên nhân, Người chỉ rõ: Là do kém tính Đảng, chưa đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; do chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa tuyệt đối hóa lợi ích, hám danh, ích kỷ, đố kỵ và vụ lợi, việc gì cũng lo cho lợi ích riêng của mình “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”; lợi dụng chức vụ, lợi dụng Đảng để toan tính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Về biểu hiện, “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình”. Chính vì “sợ người ta hơn mình” nên không chịu dùng người tài giỏi và cương trực; cố dìm người tài, chỉ thích dùng người giỏi a dua, nịnh hót “một dạ, hai vâng”, bất tài vô dụng để dễ bề sai khiến; ganh ghét, đố kỵ vì mình không bằng người khác, lúc nào cũng giương cao khẩu hiệu đoàn kết nhưng trong hành động thì âm thầm lôi bè, kéo cánh bảo vệ lợi ích cá nhân. Vì vậy, Người nhắc nhở: Dùng người, nhất là ai có trách nhiệm dùng người thì dùng cho đúng, phải công tâm, khách quan và có lòng rộng lượng thì mới dung nạp được người tài giỏi.
Về tác hại của “bệnh hẹp hòi”, cán bộ, đảng viên mắc vào bệnh này rất có hại cho Đảng, cho dân, nó cản trở mối đoàn kết trong và ngoài Đảng; sinh ra nhiều tiêu cực và hệ lụy nghiêm trọng khác.
Một là, tham danh lợi, chỉ biết lợi ích riêng mình mà quên đi tình đồng chí; óc địa vị, tham lam, kiêu ngạo, đố kỵ với người giỏi hơn mình dẫn tới đánh giá sai cán bộ, trù dập nhân tài.
Hai là, lợi ích nhóm gây mất đoàn kết nội bộ; kèn cựa, ganh ghét, soi mói, bè phái làm suy giảm ý chí của những cán bộ, đảng viên thực tâm và gương mẫu, làm cho Đảng thiếu nhân tài.
Từ nguyên nhân, biểu hiện và tác hại của “bệnh hẹp hòi”, Người yêu cầu: “Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết”, vì “mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài... nó phá hoại từ trong phá ra”.
“Bệnh hẹp hòi” luôn được Đảng quan tâm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái không nhỏ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, “sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Những biểu hiện này nếu không kịp thời chấn chỉnh chắc chắn sẽ nguy hại cho sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Để đối phó với “bệnh hẹp hòi” trong tình hình hiện nay, cần thực hiện nghiêm túc tư tưởng của Hồ Chí Minh về phòng, chống, tẩy trừ “bệnh hẹp hòi”; tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng; nâng cao hiệu quả học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời nhận diện các biểu hiện mới và ngăn chặn, không để hình thành “điểm đen” trong tổ chức, nhất là hám danh lợi, lôi kéo bè phái, ganh đua, vô cảm.
Và, hơn hết, “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tổ chức ngày 30.6.