Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2023 và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức đoàn công tác nắm tình hình thực tế tại các địa phương. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh, Sở đã có báo cáo kết quả, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ĐỖ THỊ DIỆU HẠNH
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập Tổ công tác, phối hợp với UBND 10 huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại một số xã, phường, thị trấn. Cụ thể, Tổ đã kiểm tra một số mẫu phiếu điều tra rà soát theo chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong năm 2022, sau đó đi kiểm tra thực tế và tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo. Kết quả, trong tổng số 20 thôn, khu phố của 20 xã, phường, thị trấn, với 382 hộ nghèo và 130 hộ cận nghèo, có 411 hộ được rà soát đúng các chiều thiếu hụt, 344 hộ đúng các nguyên nhân nghèo. Tuy nhiên, có 101 hộ xác định chưa đúng chiều thiếu hụt và 168 hộ đánh giá về các nguyên nhân nghèo chưa chuẩn xác. ● Xin bà cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này? - Chủ yếu là các hộ chưa nắm rõ về chuẩn nghèo đa chiều và các dịch vụ xã hội cơ bản nên cung cấp thông tin chưa chính xác cho rà soát viên. Bản thân rà soát viên thường là các trưởng thôn, khu phố, mặc dù nắm bắt thực trạng đời sống của người dân trên địa bàn, nhưng khi rà soát chưa thể hiện đầy đủ theo yêu cầu mẫu phiếu rà soát, còn tình trạng bỏ trống thông tin trong mẫu phiếu. Mẫu phiếu chứa rất nhiều thông tin, trường hợp rà soát viên không chú ý kỹ, hoặc không hiểu hết nội dung của thông tin thì việc cập nhật thông tin cho hộ được rà soát dễ sai, nhất là các nguyên nhân nghèo và các chiều thiếu hụt. ● Những bất cập này sẽ được khắc phục như thế nào trong hoạt động rà soát năm 2023, thưa bà? - Công tác triển khai thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo là vấn đề quan trọng để xác định các nguyên nhân nghèo, cận nghèo nhằm đề ra các giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm nghèo bền vững. Sở LĐ-TB&XH đã dự thảo Kế hoạch rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023, đang thực hiện việc lấy ý kiến các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi trình UBND tỉnh ban hành thực hiện.
Hội CTĐ huyện An Lão trao bê cái sinh sản hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo Đinh Thị Hương ở xã An Trung. Ảnh: Hội CTĐ huyện An Lão
Quá trình triển khai Kế hoạch, những tồn tại trong thời gian qua của công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được trao đổi thẳng thắn, nhấn mạnh và làm rõ đến thực trạng nghèo đa chiều hiện nay, chú ý đến 8 nguyên nhân nghèo để có các giải pháp thật cụ thể hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chúng tôi mong muốn UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã chủ động phối hợp MTTQ, các hội đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn, nhất là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình rà soát phải cung cấp đúng, đủ thông tin; đảm bảo đúng quy trình, công khai, dân chủ, công bằng, có sự tham gia của người dân và sự giám sát của MTTQ, các hội, đoàn thể liên quan. ● Xác định nguyên nhân nghèo để tìm giải pháp thoát nghèo là việc đang được tỉnh chú trọng. Vậy qua kiểm tra thực tế, đâu là những nguyên nhân nghèo đáng quan tâm, thưa bà? - Một trong những nguyên nhân chính là hộ nghèo, hộ cận nghèo không có thu nhập do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật không có khả năng lao động hoặc có việc làm nhưng không thường xuyên dẫn đến thu nhập không ổn định. Tại một số địa bàn vùng miền núi, vùng cao, phần lớn thu nhập hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu dựa vào kinh tế dưới tán rừng, rất bấp bênh. Thêm vào đó là nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số ít nhiều ảnh hưởng đến việc họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng của một số người trong độ tuổi lao động của hộ nghèo, hộ cận nghèo không đáp ứng nhu cầu việc làm. Họ lại không muốn học nghề để chuyển đổi nghề, chỉ thích làm những công việc đơn giản, thời vụ, có thu nhập tức thời. ● Để đẩy mạnh hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vẫn còn không ít khó khăn khách quan… - Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn một số vấn đề vướng mắc đang chờ tháo gỡ, như: Về đối tượng lao động có thu nhập thấp để thực hiện đào tạo nghề, Trung ương chưa ban hành hướng dẫn; về ban hành mức hỗ trợ thực hiện một số dự án phát triển sản xuất, Sở đã có tờ trình, chờ UBND tỉnh xem xét, quyết định… Sau khi Trung ương có hướng dẫn, UBND tỉnh ban hành các văn bản theo quy định, chúng tôi tin rằng tiến độ triển khai thực hiện giải ngân các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ đạt được kết quả tốt. ● Xin cảm ơn bà!