TƯỞNG NIỆM NGƯỜI RA ĐI, NHẮC NHỞ NGƯỜI Ở LẠI

Thứ bảy - 20/11/2021 13:04
Lễ tưởng niệm như một sự nhắc nhở chúng ta không quên những người đã mất bởi COVID-19. Đây cũng là cơ hội để mỗi người sống chậm lại một chút, nhìn lại những mất mát mà chúng ta đã phải đón nhận, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Mỗi ngọn nến mang những lời nguyện cầu thiêng liêng đến các linh hồn xấu số được siêu thoát.
Mỗi ngọn nến mang những lời nguyện cầu thiêng liêng đến các linh hồn xấu số được siêu thoát.

Tối 19/11, lễ tưởng niệm đồng bào mất trong đại dịch COVID-19 diễn ra tại điểm cầu chính là hội trường Thống Nhất, TP.HCM và Công viên Thống Nhất, TP Hà Nội.

Tại điểm cầu chính ở Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt trong buổi lễ thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm tưởng niệm thân nhân, đồng bào, kiều bào, chiến sĩ cả nước qua đời vì COVID-19. Thay mặt Đảng và Nhà nước, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19.  

 


Mỗi ngọn nến mang những lời nguyện cầu thiêng liêng đến các linh hồn xấu số được siêu thoát.
 
Nghi lễ thả hoa đăng tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ tử vong trong đại dịch diễn ra vào lúc 20h35 tại chùa Pháp Hoa.
 

Ông Chiến nhấn mạnh, do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán. 

"Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh COVID-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát"- ông Chiến cho biết.

 

Cùng lúc, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP.HCM đổ chuông sầu trong 5 phút; các tàu, thuyền, sà lan... kéo còi tưởng niệm… Người dân tắt đèn, thắp nến tại các nơi công cộng, phố đi bộ, nhà dân cầu nguyện cho các nạn nhân. Hàng ngàn hoa đăng cũng được thả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé của TP.HCM lúc 20h35. Những mẫu giấy nhỏ ghi tên, tuổi người mất được đặt cẩn thận trên những chiếc đèn để cầu siêu cho những người không may mắn trong đại dịch vừa qua và ước nguyện cho người ở lại bình an, hạnh phúc. Cách Dinh Thống Nhất chừng 500 m, xung quanh tượng đài Đức mẹ Maria trước Nhà thờ Đức Bà, Quận 1, TP.HCM nhiều người dân mang theo nến, hoa cúc đến đặt tại chân tượng, cầu nguyện cho người thân qua đời vì COVID-19. Nhiều người dân vô tình đi qua cũng nán lại trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, chắp tay nguyện cầu cho những linh hồn xấu số sớm siêu thoát về miền cực lạc.

"Chương trình này rất ý nghĩa. Tôi cũng hay cầu nguyện ở nhà nhưng có một chương trình như thế này được tổ chức để mọi người cùng cầu nguyện một lúc thì năng lượng sẽ nhiều hơn, tốt hơn. Mình cũng từng là F0 nên mình cầu mong tất cả mọi người đều có sức khỏe để vượt qua đại dịch này"- người dân chia sẻ.

 


Nhiều em nhỏ cũng theo bố mẹ ra tượng Đức Mẹ để thắp nến, cầu nguyện cho những người đã mất trong đại dịch.

Đến ngày 19/11, cả nước ghi nhận hơn 23.000 người tử vong vì COVID-19, trong đó TP.HCM chiếm hơn 74% với hơn 17.000 người mất. Đại dịch cũng đã khiến hơn 2.600 trẻ mồ côi cha, mẹ. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh tham dự lễ tưởng niệm ở TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, bản thân ông và đồng nghiệp có thể cảm nhận được nỗi đau mất vì COVID-19 hơn bao giờ hết. Đó là những khoảnh khắc bất lực nhìn người bệnh ra đi mà không thể cứu chữa; là người anh, người đồng nghiệp của mình nhiễm bệnh khi chưa kịp tiêm vaccine và ra đi mãi mãi, để lại vô vàn niềm tiếc thương cho các thầy thuốc và đàn em đồng nghiệp. Với bác sĩ Khanh, cuộc chiến COVID-19 còn dài tới đâu thì vẫn phải chiến đấu đến đó,  kiên cường và dũng cảm. 

 
Tưởng nhớ những người ra đi cũng là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh.

 

“Với bản thân chúng tôi, mọi nỗ lực phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải quyết tâm tiếp tục cuộc chiến, tiếp tục để sớm đẩy lùi dịch bệnh, giành giật lại sự sống từ tử thần COVID-19"- bác sĩ Khanh cho biết.

 Đại dịch COVID-19 đã cướp đi quá nhiều thứ, gây ra bao nỗi mất mát đau thương. Tưởng nhớ những người ra đi cũng là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh. Giờ đây, cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, chúng ta phải mạnh mẽ hơn trước, không được lơ là chủ quan. Mỗi người may mắn được sống hôm nay hãy ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng, có trách nhiệm góp sức cùng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi dịch bệnh, để sự hy sinh mất mát của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong đại dịch COVID-19 vừa qua không trở nên vô ích./.

Tác giả bài viết: Nhóm PV/VOV-TPHCM

Nguồn tin: Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây