Bảo vệ, Giới và Hòa nhập đề cập đến các hành động của các Hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề về bạo lực, phân biệt đối xử hoặc loại trừ, bao gồm giới và sự kết hợp giữa các vấn đề về khuyết tật, tuổi tác, nguồn gốc dân tộc, quốc tịch và quyền công dân, ngôn ngữ, niềm tin tôn giáo, quản điểm chính trị, nền tảng xã hội, biểu hiện giới tính, khuynh hướng tình dục, ngoại hình, màu da…Đây là một trong những hợp phần quan trọng, được triển khai xuyên suốt trong các hoạt động của Phong trào Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ.
Năm 2015, Hiệp Hội đã ban hành Tiêu chuẩn tối thiểu về Giới và đa dạng trong chương trình cứu trợ khẩn cấp. Tài liệu sau đó được bổ sung, điều chỉnh và năm 2018, Hiệp Hội đã ban hành Tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ, giới và hòa nhập trong tình huống khẩn cấp.
Tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ, giới và hòa nhập trong tình huống khẩn cấp dành cho mọi cán bộ, hội viên và tình nguyện viên, không phân biệt lĩnh vực chuyên môn. Đây là tài liệu được coi như kim chỉ nam hướng dẫn cho các Hội quốc gia thực hiện các chương trình cứu trợ khẩn cấp đảm bảo sự tiếp cận, sự tham gia hiệu quả của các đối tượng hưởng lợi.
Tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ, giới và hòa nhập trong tình huống khẩn cấp tập trung vào 4 vấn đề chính: Tôn trọng nhân phẩm, đảm bảo sự tiếp cận, sự tham gia và an toàn của mọi người. Những nguyên tắc xuyên suốt gồm: Tôn trọng quy tắc về nhân đạo, trung lập và công bằng; tránh những tác động có hại; lấy người dân, cộng đồng và các cá nhân trong khu vực bị ảnh hưởng làm trọng tâm trong các hành động ứng phó.
Các tiêu chuẩn được cụ thể hóa áp dụng trong từng lĩnh vực được thực hiện trong chương trình cứu trợ khẩn cấp như: Chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, nước sạch, vệ sinh, nhà ở, sinh kế, các mặt hàng phi lương thực, can thiệp về tiền mặt, giảm thiểu rủi ro thiên tai…