Niệm Phật đường Mỹ Hóa (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) đang nuôi dưỡng 30 trẻ bị bỏ rơi từ 4 tháng đến 9 tuổi. Hai trẻ nhỏ nhất được nhận nuôi vào năm ngoái, giờ đứa 4 tháng, đứa 7 tháng. Sư cô Thích Nữ Minh Tâm, trụ trì Niệm phật đường Mỹ Hóa đặt tên đứa trẻ 7 tháng có nụ cười rất tươi tắn là Hồ Tâm Nhã. Sư cô cho biết, đa số những đứa trẻ ở đây bị bỏ rơi lúc mới sinh. Có trường hợp đứa trẻ được hai vợ chồng đi tập thể dục sáng sớm phát hiện nằm trong ba lô ở ngã ba đường xã Cát Tường (huyện Phù Cát) nên đem về nuôi. Nuôi được 5 tháng, phát hiện bé bị bại não, họ lại đem lên cho chùa...
Tại huyện Tuy Phước, các cơ sở tôn giáo đang nhận nuôi 12 trẻ, trong đó chùa Hương Quang (thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước) nuôi 7 bé gái, tất cả đều bị bỏ rơi trước cửa chùa. Sư cô Minh Tâm (chùa Hương Quang) trò chuyện, nhà chùa nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi từ trước giải phóng. Thời bao cấp thiếu thốn đủ bề cũng không từ chối trẻ nào, giờ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn trước nhiều, phật tử cũng dốc lòng ủng hộ. “Các con đến với mình là có duyên, nuôi từ nhỏ mến tay mến chân, cực mấy cũng vượt qua được”, sư cô Minh Tâm tâm tình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản yêu cầu Sở LÐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn các cơ sở đủ đối tượng nuôi dưỡng thành lập cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do tôn giáo quản lý, đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định hiện hành.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 70 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 15 cơ sở tôn giáo (Phật giáo) đóng trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố: QuyNhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn. Niệm Phật đường Mỹ Hóa là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều trẻ nhất. Các cơ sở còn lại chăm sóc từ 1 - 7 trẻ. Ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đánh giá: “Về cơ bản, các cơ sở thực hiện đầy đủ các chức năng của công tác xã hội như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội, nhu cầu cấp bách của những người yếu thế trong hoàn cảnh gặp tai ương, hoạn nạn mà các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội khác chưa đáp ứng kịp”. Cần được hỗ trợ nhiều hơn Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cuối tháng 2.2020, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập tổ công tác liên ngành do Phó Giám đốc Sở Phan Đình Hòa làm tổ trưởng về làm việc với các phòng, ban, xã, phường, thị trấn và cơ sở tôn giáo đang chăm sóc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi của 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Kết quả cho thấy, tất cả các cơ sở tôn giáo trong tỉnh chưa thực hiện đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội hoặc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Việc này dẫn đến chuyện trẻ dù đúng tiêu chuẩn được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội như BHYT, miễn giảm học phí, trợ cấp hàng tháng… nhưng vẫn không thể giải quyết được. Theo tổ công tác, nguyên nhân là do người quản lý cơ sở tự viện chưa am hiểu sâu sắc về các quy định pháp lý, thiếu sự kết nối mang tính hệ thống đối với các cơ quan quản lý, phúc lợi xã hội và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác. Về một số cơ sở tôn giáo những ngày đầu tuần, lắng nghe các sư tâm sự về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, định hướng tương lai cho trẻ, cảm nhận tâm huyết và tình thương bao la của họ dành cho những mảnh đời bất hạnh. Sư cô Thích Nữ Minh Tâm, trụ trì Niệm Phật đường Mỹ Hóa chia sẻ cơ sở thật sự đang rất cần được trợ giúp về các thủ tục để thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, để 30 trẻ được hưởng chế độ chính sách theo quy định. “Chúng tôi cần sự chung tay của cộng đồng để mang đến những gì tốt đẹp nhất cho trẻ. Đôi khi các em chỉ quanh quẩn trong khuôn viên chùa, lúc ra ngoài học trường phổ thông, hòa nhập cộng đồng, có nhiều suy nghĩ khá phức tạp. Hãy dạy các em biết cái gì cần nên tránh, cái gì nên làm. Chỉ các sư trong chùa nói hoài có khi các em nghe nhàm, không thấy thú vị”, trụ trì Niệm Phật đường Mỹ Hóa kêu gọi.