Trò chuyện với những người có nhóm máu hiếm

Thứ sáu - 19/02/2021 11:20
Sau gần 1 năm thành lập, CLB Nhóm máu hiếm Bình Ðịnh đã quy tụ được gần 50 người có nhóm máu hiếm (Rh‑) trong toàn tỉnh, hiến máu giúp gần 10 ca bệnh nặng và sản phụ. Tất cả họ đều có chung suy nghĩ: “Biết mình mang nhóm máu hiếm thì càng phải chia sẻ, bởi chúng tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh người đang gặp khó khăn”.
viewimage (1)
viewimage (1)
Cho máu lúc đêm khuya
Anh Hồ Việt Văn ở Quy Nhơn hiện là một trong những người có nhóm máu hiếm có số lần hiến máu cứu người nhiều nhất (9 lần). Anh tình cờ biết mình mang nhóm máu O Rh- sau lần cho máu cứu ông nội. Qua tìm hiểu, anh Văn biết được ở Quy Nhơn có rất ít người mang nhóm máu này, bèn nghĩ: Tại sao mình có được loại máu hiếm này mà lại không đi giúp người khác? Anh để lại số điện thoại của mình ở Trung tâm Truyền máu - Huyết học (BVĐK tỉnh) để nếu có bệnh nhân nào cần, các bác sĩ liên hệ thì anh đến giúp. Và đó là chuyện của vài năm trước, từ khi CLB Nhóm máu hiếm Bình Định chưa ra đời và anh chưa tham gia.
 
viewimage
 
Anh Hồ Việt Văn
 
Nhiều năm qua, anh Văn ít tiệc tùng với bạn bè hơn vì biết đã uống rượu, bia thì không thể hiến máu. Đêm đêm, anh hay giật mình, nhìn vào màn hình điện thoại xem có lỡ ngủ say mà nhỡ cuộc gọi nào từ Trung tâm. Trong số 9 lần cho máu đột xuất, hơn một nửa lần anh nhận cuộc gọi lúc đêm khuya. Điện thoại reo, nhìn thấy số của Trung tâm là anh bật dậy, phóng xe đi.
 
viewimage (1)
 
Anh Quách Quý Quyền
 
Anh Quách Quý Quyền cũng là một thành viên tích cực của CLB Nhóm máu hiếm Bình Định. Anh quê tỉnh Ninh Bình, vào TP Quy Nhơn học tập, làm việc, định cư đã hơn 15 năm. Anh Quyền biết mình mang nhóm máu O Rh- từ nhỏ vì trong gia đình cũng có một vài người mang nhóm máu hiếm này. Anh bảo, lần hiến máu đột xuất duy nhất của mình diễn ra cách đây hơn 1 tháng, hỗ trợ một sản phụ, do CLB Nhóm máu hiếm thông tin. “Trước khi CLB thành lập, cứ thấy lâu lâu mà không ai cần máu mình là tôi đăng ký tham gia chương trình hiến máu tập trung, để biết đâu đó, ai đó, vào lúc nào đó cần thì sẽ có dùng”, anh Quyền chia sẻ.
 
Đặt mình vào hoàn cảnh bệnh nhân cần máu hiếm
Nhắc đến ca TNGT chuyển từ tỉnh Gia Lai xuống BVĐK tỉnh đêm 26.12 vừa qua, nhiều bác sĩ nhớ ra ngay vì bệnh nhân trong tình trạng đa chấn thương nặng, cần truyền gấp 2 - 3 đơn vị máu, nhưng máu cần truyền lại thuộc nhóm máu hiếm.
Cảm giác “chết đi sống lại” được bà Nguyễn Thị Diệu, mẹ của bệnh nhân chia sẻ cùng với sự tri ân vô bờ bến sau khi biết con đã qua cơn nguy kịch. 3 thành viên của CLB Nhóm máu hiếm Bình Định đã được huy động cấp tốc, trong đó có chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở huyện Phù Mỹ và chị Phan Thị Thúy Phượng ở huyện Tây Sơn.
 
viewimage (2)
 
Chị Phan Thị Thúy Phượng

Chị Phượng kể, nhận thông tin gần 10 giờ đêm, bên ngoài trời đổ mưa, chị tính gọi taxi xuống BVĐK tỉnh. “Ông xã tôi bảo taxi giờ này rất khó gọi nên lên xe anh chở đi cho nhanh, người ta đang cần gấp. Hiến máu xong, vợ chồng tôi quay về lúc 2 giờ sáng trong cơn mưa như trút nước”, chị Phượng trò chuyện.
Đầu năm mới nhắc chuyện cũ, nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt các thành viên CLB Nhóm máu hiếm Bình Định. Chị Phượng bảo, năm nay chị 46 tuổi, tuổi càng nhiều, lúc hiến máu xong đúng là có mệt hơn một chút so với trước, nhưng: “Mình cứ đặt mình vô hoàn cảnh bệnh nhân cần máu hiếm đó. Khi họ cần, mình giúp được gì thì giúp, tôi cứ nghĩ đơn giản vậy thôi. Tôi sẽ lên kế hoạch tăng cường sức khỏe hơn nữa”, chị cười thật tươi cho hay.
Anh Văn và anh Quyền thuộc thế hệ 8X, dù khỏe mạnh nhưng cũng đã lên những “kế hoạch” riêng của mình để hỗ trợ tốt hơn người cần máu hiếm trong thời gian tới. Anh Văn bảo, cứ sau mỗi lần cho máu, anh chủ động kết bạn với người nhận vì họ cũng có nhóm máu hiếm. Việc kết bạn phát huy tác dụng trong những lần anh nhận cuộc gọi cần máu nhưng không thể thu xếp có mặt ngay. “Tôi điện cho người cùng nhóm máu ở gần nhất với bệnh nhân. Một đôi lần tôi rủ thêm 1 - 2 người nữa đi cùng, phòng khi bệnh nhân cần đến 2 - 3 đơn vị máu cùng lúc”, anh Văn tâm tình.
Còn anh Quyền thì tích cực vận động đồng nghiệp, bạn bè của mình đi hiến máu tình nguyện và thu xếp có mặt để động viên mọi người, dù công việc của anh rất bận rộn. “Trong số đồng nghiệp, bạn bè ấy có những người thuộc nhóm máu hiếm như anh Quyền, vậy là anh cho vô “danh sách”. Khi cần thì anh “rủ rê” họ đi cứu người, nhất là những ca sản phụ mang nhóm máu hiếm”, bác sĩ Lê Ngọc Thường, Phó Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm Bình Định, “bật mí” như vậy.





 

Tác giả bài viết: Ngọc Tú

Nguồn tin: Báo Bình Định

 Tags: máu, máu hiếm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây