Nêu cao tinh thần trách nhiệm đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử

Thứ ba - 11/06/2024 08:35
Sáng 10.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại điểm cầu Bình Định, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh - chủ trì cuộc họp. 
Dự cuộc họp còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau quá trình triển khai Đề án 06, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã nhận diện 5 nhóm vấn đề: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn bảo mật, nguồn lực triển khai, là các “điểm nghẽn”. Ngày 23.5.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 452 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” này với 23 nhóm nhiệm vụ. Qua 1 năm triển khai, các bộ, ngành, địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng và có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 1/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể.
Tuy nhiên, việc xử lý các “điểm nghẽn” vẫn chưa hoàn thành, nhiều nhiệm vụ chậm muộn, làm cản trở lộ trình triển khai cũng như hiệu quả của Đề án 06. Quá trình thực hiện còn phát sinh thêm một số nội dung mới thuộc 5 “điểm nghẽn” cần tiếp tục tháo gỡ.
Đơn cử, về hạ tầng công nghệ, còn 11 bộ, ngành và 8 địa phương chưa gửi báo cáo kết quả, rà soát, đánh giá đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh mạng. Còn 10 bộ, ngành và 3 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Về dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, DN chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp…
Tại Bình Định, sau hơn 1 năm thực hiện, các giải pháp Chính phủ đề ra phát huy rất hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu về TMĐT, kết quả thu được khả quan. Chẳng hạn, số thuế quản lý được từ hoạt động TMĐT, kinh doanh số năm 2023 là 65 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2022; 5 tháng đầu năm 2024 đã quản lý được 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình quản lý thuế từ hoạt động TMĐT đã phát sinh nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, như: Chưa có quy định tiêu chí đặc thù để phân biệt hoạt động TMĐT dẫn đến không thể bao quát hết các hoạt động và thông tin các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên nền tảng số. Bên cạnh đó, pháp luật chuyên ngành thuế chưa có cơ chế kiểm soát và chế tài đối với trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn TMĐT. Ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động TMĐT còn thấp, mặc dù các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thuế đã tuyên truyền, hướng dẫn và cảnh báo...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, cơ quan, địa phương đã trình bày các tham luận báo cáo về kết quả triển khai các “điểm nghẽn”, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại các kết quả tích cực sau quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tháo gỡ các “điểm nghẽn” Đề án 06 và thực hiện Chỉ thị 18 của Chính phủ; qua đó, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế chỉ ra, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu dân cư, kết nối chia sẻ dữ liệu và chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương không được trông chờ, ỷ lại, phải tích cực, sáng tạo, đổi mới trong điều kiện thực tiễn. Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân; đảm bảo các điều kiện cần thiết để từ ngày 1.7.2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử…
TRỌNG LỢI
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Trung tâm huấn luyện sơ cứu
LIÊN KẾT WEBSITE
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay1,699
  • Tháng hiện tại138,590
  • Tổng lượt truy cập3,916,357
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây