Theo ông Lê Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTÐ tỉnh, Ðội trưởng Ðội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh, Ðội và tổ chức CTÐ các cấp đã sẵn sàng tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai năm nay.
* Trạng thái sẵn sàng ấy thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Cùng với nỗ lực của tỉnh, Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh và các cấp hội CTĐ của tỉnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khâu để sẵn sàng ứng phó khi mưa bão đến. Cụ thể, các thành viên của Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh đã được tập huấn kiến thức, trang bị kỹ năng để hiểu rõ, thực hành tốt công tác phòng ngừa thiên tai, sơ cấp cứu. Đội cũng được cấp nhiều loại trang thiết bị cần thiết.
Riêng với các cấp hội CTĐ, cùng với những công việc làm thường xuyên hằng năm, năm nay, Hội CTĐ tỉnh đưa ra thêm 2 hoạt động: Hành động ứng phó sớm và đánh giá thiệt hại cùng nhu cầu của người dân bị thiệt hại sau mưa lũ.
Trên thực tế, những năm gần đây, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của tổ chức CTĐ đã chuyển sang các hình thức như: Hỗ trợ phòng ngừa, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, ứng dụng mô hình “Hành động sớm”, hoàn thiện và chuyển giao các mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả...
Tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và thực hành sơ cấp cứu một số tai nạn thương tích cho học sinh Trường THCS An Hòa (huyện An Lão). Ảnh: Hội CTĐ tỉnh |
* Là Đội trưởng Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh, ông kỳ vọng gì về hiệu quả hoạt động của mô hình này?
- Về cơ cấu tổ chức, các cấp hội CTĐ đều đã có đội xung kích CTĐ, tham gia đi đầu trong nhiều lĩnh vực cứu trợ, hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực phòng ngừa thảm họa.
Năm nay, lần đầu tiên có hẳn một đội chuyên về việc ứng phó thiên tai, thảm họa; đặc biệt là trong số 21 thành viên, ngoài số cán bộ hội CTĐ các huyện, thị xã, thành phố, còn có đại diện đến từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, một số sở, ban, ngành liên quan, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.
Bất kỳ lúc nào - trước, trong và sau khi mưa lũ xảy ra tại một địa phương nào đó, ngoài lực lượng tại chỗ, Đội sẽ cử thành viên xuống hỗ trợ địa phương. Hỗ trợ ở đây cần hiểu rằng không phải là làm thay mà là hướng dẫn về kỹ thuật. Chẳng hạn, Đội sẽ hướng dẫn người dân cách chằng chống nhà cửa, tham gia sơ cấp cứu ban đầu, đánh giá thiệt hại, khảo sát nhu cầu thực tế của hộ dân và kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ kịp thời, thiết thực.
Tôi tin tưởng, thành viên Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh đến từ nhiều cơ quan, đơn vị như vậy thì công tác tham mưu, phối hợp sẽ thiết thực, nhanh chóng, kịp thời và hợp lý hơn.
* Đặt mục tiêu chủ động và phòng ngừa là trọng tâm, các cấp hội CTĐ trong tỉnh có kế hoạch gì để phát huy vai trò của mình, đóng góp vào nỗ lực chung của tỉnh, thưa ông?
- Năm nay, Hội CTĐ tỉnh lần đầu tiên triển khai hoạt động “Hành động sớm”, nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho Hội CTĐ Việt Nam, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Hoạt động được triển khai ở 10 xã của tỉnh thường xảy ra mưa lũ. Theo đó, mỗi xã sẽ chọn và lập sẵn danh sách 100 gia đình cần được hỗ trợ để tránh thiệt hại do mưa lũ. Khi có thông tin về cơn bão cấp 9 trở lên xuất hiện trên địa bàn, mỗi hộ này sẽ được cấp 3 triệu đồng để thực hiện việc chằng chống nhà cửa. Trong trường hợp bão chuyển hướng không vào địa bàn thì những hộ này vẫn được nhận đủ số tiền, không cần trả lại.
Trong suốt thời gian mưa bão, Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh cử thành viên phụ trách địa bàn, cập nhật liên tục tình hình. Mưa gió tan, cán bộ CTĐ và thành viên Đội ứng phó sẽ thu thập thông tin, đánh giá thiệt hại, ghi nhận nhu cầu của người dân tại hiện trường xảy ra thiên tai, tổ chức báo cáo cụ thể và đề xuất hướng hỗ trợ phù hợp.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn