Cách mạng Tháng Tám và bài học đại đoàn kết dân tộc

Thứ năm - 31/08/2023 15:10
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tạo ra sự biến đổi cực kỳ to lớn, sâu sắc trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Thắng lợi của cuộc cách mạng để lại nhiều bài học vô cùng quý giá, đặc biệt là bài học về đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục phát huy giá trị của bài học này trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết và cấp thiết.
Từ ngày 14 - 30.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu
Từ ngày 14 - 30.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu

Đại đoàn kết là nội dung quan trọng trong đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc

Nội dung đại đoàn kết dân tộc trong chủ trương, đường lối của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám được hình thành từ cơ sở lý luận và thực tiễn giai đoạn 1930 - 1945. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; phát huy hiệu quả truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Đường lối đại đoàn kết được Đảng xác định từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên - về lực lượng cách mạng, mở tới biên độ rộng nhất với mẫu số chung là yêu nước (khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công - nông). Từ đó, tiếp tục bổ sung, phát triển trong Hội nghị Trung ương tháng 10.1930, Hội nghị tháng 10.1936 và đặc biệt là Hội nghị tháng 5.1941.

Từ chủ trương nói trên, Đảng chỉ đạo thành lập: Hội phản đế đồng minh (11.1930), Phản đế liên minh (3.1935), Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (10.1936), Mặt trận dân chủ Đông Dương (6.1938), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11.1939), đặc biệt là Mặt trận Việt Minh (5.1941).

Đại đoàn kết làm nên thắng lợi

Chủ trương đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám được Đảng ta quán triệt, chỉ đạo thực hiện trong Hội nghị toàn quốc của Đảng (13 - 15.8.1945), rõ nhất là quyết định tổng khởi nghĩa - huy động sức mạnh cả dân tộc.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 triệu đồng bào đã vùng lên, lật đổ tất cả ách thống trị của Pháp, Nhật và chế độ phong kiến lạc hậu, thối nát đương thời trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Điều đó thể hiện rõ lực lượng tham gia trong Cách mạng Tháng Tám là toàn dân. Lực lượng cách mạng gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trong đó, lực lượng chính trị là chủ yếu, bao gồm tất cả giai cấp, tầng lớp nhân dân yêu nước, không phân biệt già - trẻ, gái - trai, giàu - nghèo, quý - tiện, dân tộc, tôn giáo, đảng phái. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trong chủ trương của Đảng và quá trình chỉ đạo thực hiện, về mặt phương pháp, là khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Vì thế, phải huy động sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù.

Giá trị của bài học đại đoàn kết từ Cách mạng Tháng Tám

Đảng ta quán triệt và chỉ đạo thực hiện bài học đại đoàn kết từ Cách mạng Tháng Tám trong những giai đoạn tiếp theo, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về phương pháp, phương châm kháng chiến, Đảng ta đã nâng tầm khởi nghĩa toàn dân lên kháng chiến toàn dân, “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Đảng tiếp tục chỉ đạo xây dựng, tập hợp lực lượng trong Mặt trận Việt Minh và các hình thức Mặt trận mới (Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Liên Việt (1951)). Đường lối kháng chiến toàn dân và việc huy động lực lượng toàn dân tộc đã làm nên những thắng lợi vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường lối kháng chiến toàn dân tiếp tục được Đảng vận dụng và nâng lên một tầm cao mới - chiến tranh nhân dân. Đảng ta tiếp tục chủ trương và quán triệt chỉ đạo thực hiện việc xây dựng và tập hợp lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân trong các hình thức Mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955) ở miền Bắc, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960). Chủ trương của Đảng đã phát huy hiệu quả, huy động tới mức tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau giải phóng, chiến tranh nhân dân tiếp tục được Đảng ta vận dụng, bổ sung và phát triển. Đảng ta xác định phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Do đó, công tác giáo dục tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc phát huy cao nhất thế trận lòng dân, để gần 100 triệu người dân Việt Nam là bấy nhiêu chiến sĩ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong MTTQ Việt Nam tiếp tục được phát huy. Nhờ vậy, toàn dân tiếp tục đoàn kết, sức mạnh của cả dân tộc được huy động tới mức tối đa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1986 - nay).

* * *

Bảy mươi tám năm qua, phát huy đường lối, chủ trương và bài học đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt những thành tựu rực rỡ. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, tiếp tục thực hiện bài học này sẽ góp phần phát huy sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc, sớm thực hiện được mục tiêu chung “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tương lai không xa.

LÊ VĂN MINH

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây