KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3.2.1930 - 3.2.2023) Sức mạnh của Đảng - sức mạnh từ nhân dân
Thứ tư - 01/02/2023 08:04
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một trong những nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp cách mạng là bởi đường lối chiến lược nhất quán, đúng đắn của Đảng ta: Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân.
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của đoàn kết, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta. Theo đó, Đảng ta xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Đảng nhận sức mạnh từ nhân dân
Nhận thức về tầm quan trọng và sức mạnh to lớn từ nhân dân, sau khi Đảng ta ra đời, từ ngày 14- 31.10.1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất xác định: “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, cho rằng: “Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì thành vô địch”. Ảnh minh họa |
Từ tháng 10.1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời; làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong điều kiện hiện nay, xây dựng và bảo vệ đất nước là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự tham gia đắc lực của đông đảo nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính vì vậy Đảng phải thực sự tôn trọng và phát huy vai trò của nhân dân trong mọi công việc. Bởi lẽ sức mạnh của Ðảng nằm ngay trong chính mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân và nhân dân với Ðảng. Mối quan hệ này là mối quan hệ máu thịt, gắn bó chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Mối quan hệ này được thể hiện rất rõ ràng, thông qua đạo đức, tư cách, tác phong và thái độ ứng xử trong quan hệ với nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên.
Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là bản chất của Đảng ta và là sự sống còn đối với chế độ ta. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.
Đồng thời, nhân dân cũng là một khái niệm rất quan trọng trong tư tưởng và mọi hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Người cho rằng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì thành vô địch”.
Tăng cường mối quan hệ Đảng - nhân dân
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định nhân dân là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để giữ vững mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tiếp nhận sức mạnh từ nhân dân, Đảng ta và hệ thống chính trị cần tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, về vấn đề nhận thức, cần quán triệt cho cán bộ, đảng viên thấy rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhân dân; tại sao phải làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân. Đây là công tác đối với nhân dân, thông qua nhân dân để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trở thành hiện thực.
Bác Hồ đã từng chỉ rõ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đảng ta khẳng định: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”.
Thứ hai, giữ vững và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đây là vấn đề thuộc về bản chất cách mạng của Đảng ta. Là mối quan hệ máu thịt, là sự sống còn của Đảng ta, chế độ ta.
Thứ ba, “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Đây chính là hành động của Đảng ta và hệ thống chính trị.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác dân vận. Công tác dân vận là một nội dung lãnh đạo của Đảng đồng thời là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Bản chất của công tác dân vận là nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Nhân dân là nguồn gốc của sức mạnh, là chỗ dựa vững chắc của Đảng. Cùng với công tác Xây dựng Đảng, Đảng phải luôn quan tâm tới công tác dân vận.
Thứ năm, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”.
NGUYỄN TÙNG LÂM (Trường Chính trị tỉnh)
Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định