KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM (27.1.1973 - 27.1.2023) Mốc son trong trang sử vàng ngoại giao cách mạng Việt Nam
Thứ sáu - 27/01/2023 07:34
Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, Hiệp định Paris được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX. Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được một phần “đánh cho Mỹ cút”, tạo đà để thực hiện trọn vẹn mục tiêu “đánh cho Ngụy nhào” theo di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đấu tranh cực kỳ gay go, quyết liệt Quá trình đàm phán hòa bình đưa đến việc ký Hiệp định Paris là một trong những cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới (4 năm 8 tháng 16 ngày), với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn. Về các giai đoạn của Hội nghị, có 3 quan điểm khác nhau; nhưng theo chúng tôi, quan điểm thứ ba (chia làm 4 giai đoạn) là hợp lý hơn cả. Cụ thể, giai đoạn 1 từ tháng 5 - 11.1968: Đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) với Mỹ; giai đoạn 2 từ đầu năm 1969 đến giữa năm 1972: Đàm phán bốn bên; giai đoạn 3 từ tháng 6 đến cuối năm 1972: Giằng co căng thẳng; giai đoạn 4 từ ngày 6.1 - 27.1.1973: Thống nhất các điều khoản và ký kết Hiệp định.
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973. Ảnh tư liệu
Hội nghị Paris trải qua những cuộc đấu tranh cực kỳ gay go, quyết liệt giữa ta với kẻ thù. Bằng sức mạnh tổng hợp của chính nghĩa, trí tuệ, khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại… thắng lợi cuối cùng đã thuộc về chúng ta. Về nội dung, toàn bộ văn kiện Hiệp định Paris gồm 1 hiệp định chính, 4 nghị định thư và 8 bản hiểu biết. Trong đó, hiệp định chính gồm 9 chương, 23 điều, với 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất, các điều khoản về chính trị: Ghi các cam kết của Hoa Kỳ (tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam). Thứ hai, các điều khoản về quân sự: Ngừng bắn, Hoa Kỳ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận tháo gỡ mìn do Hoa Kỳ đã rải ở miền Bắc. Thứ ba, các điều khoản về nội bộ miền Nam: Nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để tổ chức tổng tuyển cử. Thứ tư, các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam DCCH. Nội dung Hiệp định tuy ngắn gọn (khoảng 11 trang), song đã ghi lại những thắng lợi to lớn của Việt Nam và các nước Đông Dương. Hiệp định còn có ý nghĩa cực kỳ to lớn với cả thế giới đương đại.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh tư liệu
Những bài học quý giá Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay. Một là, bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Bài học này thể hiện ở ba điểm lớn: Đảng quyết định mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao; Đảng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất phối hợp mặt trận ngoại giao với các mặt trận chính trị, quân sự; Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi. Hai là, bài học về kiên định đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định luôn kiên định đường lối đối ngoại của Đảng: Độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời, vận dụng đúng đắn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đặc biệt là phương châm ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người. Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chúng ta đã tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn; tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris. Ba là, bài học về tầm quan trọng của thực lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét rất chính xác rằng: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”. Trên thực tế, thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điển hình là với thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không, chúng ta buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định. Bên cạnh đó, thực lực của ta không chỉ thể hiện ở thắng lợi trên mặt trận quân sự, mà còn là sức mạnh tổng hợp. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán. Bốn là, bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Về mặt lý thuyết, để vượt qua những thách thức lớn, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi. Trên thực tế, cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta thắng lợi vì đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Năm là, bài học về xây dựng lực lượng. Đây cũng có thể coi là bài học về công tác cán bộ của Đảng. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán. Cùng với sự chỉ đạo sát sao, Đảng và Nhà nước ta đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris. * * * Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris. Quá trình tham dự và ký kết Hiệp định cũng để lại những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Những bài học ấy ngày nay vẫn còn nguyên giá trị; đặc biệt, bài học xuyên suốt là kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng.