Nhân dịp hè năm nay, Trung tâm BTXH Ðồng Tâm khai giảng lớp học nghề vẽ mỹ thuật mang tên “Ðồng Tâm - Kết nối yêu thương”. Ðây là dịp để các em khuyết tật tại Trung tâm được tiếp cận với nghề mới, được thỏa mãn niềm đam mê hội họa.
Chúng tôi gọi đây là “lớp học lặng im”, vì các học viên đều là trẻ câm điếc. Lớp học không có lời giảng, không có những tràng nói cười, nhưng không khí vui tươi và niềm hạnh phúc hiện rõ trong đôi mắt các em. Không ai bảo ai, các em ngồi ngay ngắn, cặm cụi vẽ tranh, thỉnh thoảng lại nhìn lên bảng để xem thầy giáo vẽ từng nét mẫu.
Ông Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định, chỉnh sửa từng nét vẽ cho các em. Ảnh: X.Q
Tại lớp học, các em được giáo viên mỹ thuật đến từ CLB Face Art Bình Định hướng dẫn những kiến thức mỹ thuật cơ bản và nâng cao. Cùng với đó là cách tạo hình, tô màu trên các vật liệu như nón lá và những chiếc mặt nạ làm bằng chất liệu composite. Qua những nét chấm phá đầy màu sắc, các vật phẩm vô tri bỗng trở nên có hồn, từ đó biến thành những món đồ mỹ nghệ xinh đẹp… Đây cũng là dịp để các em được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống, góp phần quảng bá rộng rãi các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của Bình Định như mặt nạ hát bội, nón lá Gò Găng, gốm thủ công truyền thống Vân Sơn… Lớp học vẽ mở vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6) vừa là sân chơi bổ ích, vừa mở ra cơ hội việc làm giúp các em có thêm thu nhập nhờ vào việc bán các sản phẩm mỹ nghệ do mình làm ra. Ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH Đồng Tâm cho hay, đây là một trong những dự định mà chúng tôi ấp ủ từ lâu. Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi mong muốn các em sẽ có thêm động lực để phát triển bản thân, có thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Mặc dù bị khuyết tật nhưng các em rất sáng dạ, học hỏi rất nhanh và có niềm đam mê rất lớn với hội họa. Để các em làm ra được những sản phẩm đạt chất lượng, có thể được thị trường chấp nhận, phải kể đến nỗ lực của các giáo viên đến từ CLB Face Art Bình Định. Với nhiều rào cản về nghe, nói, giáo viên mỹ thuật phải tận tâm để có thể biến các em trở thành những người thợ “lành nghề”. Ông Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các em có tay nghề cao, song cũng để các em thỏa sức sáng tạo. Sau những buổi học đầu tiên, các em tiếp thu rất nhanh, cho ra những sản phẩm đầu tay rất có hồn. Giáo viên cũng cố gắng tìm hiểu thêm về ngôn ngữ hình thể để giao tiếp với các em. Với những nét vẽ khó, giáo viên sẽ cầm tay từng em để chỉ dạy”. Bên cạnh sự nỗ lực của các em, Trung tâm BTXH Đồng Tâm và các nhà hảo tâm cũng đã nỗ lực hết mình, cùng nhau phối hợp để tìm đầu ra cho các sản phẩm mỹ nghệ. Đây chính là vấn đề then chốt để mang lại hiệu quả cho lớp học này. “Bước đầu, các nhà hảo tâm đã sát cánh cùng các em, hỗ trợ các khoản chi phí để mở lớp và các dụng cụ học tập như màu, cọ vẽ, vật liệu… Sau đó, với sứ mệnh kết nối yêu thương, chúng tôi sẽ lan tỏa những giá trị nhân văn để mọi người trong xã hội biết đến dòng sản phẩm mỹ nghệ đặc biệt này và đón nhận chúng. Nhờ đó, các em sẽ kiếm sống được với nghề”, ông Dũng chia sẻ. XUÂN QUỲNH