46 địa phương sẽ tham gia đồng hành, tổ chức Hành trình Đỏ năm nay gồm: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lào Cai, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lai Châu, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Trong đó, 5 địa phương tham gia xuyên suốt cả 10 kỳ Hành trình Đỏ là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng. Lần đầu tiên tỉnh Hà Giang tham gia vào hành trình "kết nối dòng máu Việt" ý nghĩa này.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ cho biết: "Qua 9 năm (2013 - 2021), đã có 57 tỉnh, thành phố tham gia tổ chức Hành trình Đỏ, nhiều địa phương đã tổ chức Hành trình Đỏ trong nhiều năm liên tiếp. Chương trình đã tiếp nhận trên 515.000 đơn vị máu, góp phần thay đổi nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, cơ bản khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp hè. Đây cũng là cơ hội để các Trung tâm Truyền máu, ngành y tế địa phương được tập dượt và thuần thục quy trình tổ chức hiến máu với số lượng lớn hay đảm bảo công tác tiếp nhận máu an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19".
Đại diện đơn vị đã tham gia Hành trình Đỏ liên tục từ năm 2014 đến nay, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "Đây là sự kiện truyền thông cực kỳ đặc biệt về hiến máu. Nhờ có chương trình mà phong trào hiến máu của tỉnh Tuyên Quang đã đi được chặng đường rất xa, từ chỗ Hành trình Đỏ chỉ tiếp nhận được 330 đơn vị đã tăng lên 2.200 đơn vị máu".
Cũng chung suy nghĩ ấy, bà Cầm Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La xúc động kể lại câu chuyện những người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã quen dần với việc hiến máu, sẵn sàng đi hàng chục cây số đến hiến máu. "Hành trình Đỏ là cú huých trong tuyên truyền, vận động người dân ở tỉnh miền núi như Sơn La tham gia hiến máu. Dù khó khăn nhưng năm 2021, chúng tôi đã tổ chức Hành trình Đỏ mini trong 2 đợt vào tháng 6 và tháng 7", bà Chuyên nhấn mạnh.
Các tỉnh, thành tham gia Hành trình Đỏ 2022.
Tăng cường truyền thông, điều phối máu hiệu quả trong Hành trình Đỏ
Năm 2021 vừa qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chương trình Hành trình Đỏ đã gặp rất nhiều khó khăn, phải kéo dài hơn so với dự kiến đến hết tháng 9, tại nhiều địa phương tưởng chừng như không thể tổ chức được.
"Nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực cố gắng, vượt khó khăn của Ban Chỉ đạo Vận động HMTN các cấp, đặc biệt là của các Trung tâm Truyền máu, của hệ thống cán bộ Hội Chữ thập đỏ, chương trình Hành trình Đỏ vẫn được tổ chức thành công với 555 cuộc hiến máu, tiếp nhận 165.571 đơn vị máu", TS. Bạch Quốc Khánh, Trưởng Ban tổ chức khẳng định.
Lượng máu của Hành trình Đỏ ngoài việc đáp ứng nhu cầu điều trị từng địa phương, còn giúp "chi viện" vào miền Nam trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất.
Phát huy hiệu quả này và để đạt mục tiêu tiếp nhận 120.000 đơn vị máu (bao gồm tối thiểu 30.000 đơn vị tại các ngày sự kiện chính và 90.000 đơn vị tại các ngày hiến máu hưởng ứng), TS. Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: "Trong bối cảnh dịch bệnh, các ngày hiến máu của Hành trình Đỏ cần được tổ chức trong nhiều ngày, mở rộng tổ chức tại các điểm hiến máu cố định, bán cố định để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa giúp có đủ lượng máu cho điều trị, lại thuận tiện cho người hiến máu. Xây dựng chỉ tiêu tiếp nhận máu phù hợp với nhu cầu của ngành y tế, điều phối máu giữa các địa phương, cả về tiếp nhận và cung cấp máu là rất cần thiết nhằm hạn chế các thời điểm khan hiếm máu".
Hành trình Đỏ năm 2022 được tổ chức sớm nhất (từ đầu tháng 6) với sự tham gia của nhiều địa phương nhất, đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm hành trình "kết nối dòng máu Việt". Bên cạnh thành viên tham gia Ban tổ chức như các năm, đại diện Ban Chỉ đạo Vận động HMTN Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được mời tham gia Ban tổ chức nhằm phát huy hiệu quả tuyên truyền, vận động hiến máu.
Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí cần đẩy mạnh truyền thông về Hành trình Đỏ qua các phương tiện thông tin đại chúng và phát huy lợi thế lan truyền của mạng xã hội trong huy động nguồn người hiến máu. Nhờ đó sẽ góp phần giúp lan tỏa hoạt động hiến máu gần gũi, thường xuyên hơn với người dân cả nước, duy trì hoạt động hiến máu hiệu quả, bền vững, tăng tỷ lệ người hiến máu thường xuyên, tỷ lệ hiến máu thể tích 350 ml trở lên.
TS. Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy chia sẻ: "Các Trung tâm Truyền máu cần cố gắng tôn trọng tối đa kế hoạch của Ban Chỉ đạo Vận động HMTN, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị, phục vụ người bệnh kịp thời và có thể chia sẻ lẫn nhau về nguồn máu giữa các địa phương. Ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội đã cho thấy tính hiệu quả kịp thời trong huy động nguồn người hiến máu, nhất là trong đại dịch vừa qua".
Khẳng định điểm nhấn của Hành trình Đỏ với chiến dịch "Những giọt máu hồng hè" hằng năm, ông Lê Gia Tiến - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN đề nghị đơn vị thường trực Ban tổ chức là Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội Chữ thập đỏ các địa phương sẽ phát huy kinh nghiệm nhiều năm để điều phối, tổ chức Hành trình Đỏ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sử dụng máu. Từ kinh nghiệm này, ông cũng mong muốn các Trung tâm Truyền máu, các bệnh viện sẽ phối hợp để xây dựng và duy trì các điểm hiến máu Chữ thập đỏ.
Tác giả bài viết: HÀ CÁT/Theo VTV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn