Trao đổi với bác sĩ Võ Đình Lộc, Phụ trách Trung tâm Huyết học - Truyền máu BVĐK tỉnh, ông cho biết suy nghĩ như vậy là không đúng. Trên thực tế, máu lấy ra từ người hiến tình nguyện không thể đem truyền ngay cho người bệnh mà phải được xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu, sàng lọc kháng thể bất thường và các xét nghiệm khác theo quy định của Bộ Y tế... “Biết nhóm máu A, B, O… chưa đủ, cần phải làm xét nghiệm để xác định nó thuộc nhóm Rhesus âm hay dương, có hoà hợp với người bệnh hay không”, bác sĩ Lộc cho biết.
Hiến máu hiếm tình nguyện giúp bệnh nhân cấp cứu tại BVĐK tỉnh. Ảnh: CLB 25 |
Theo quy trình, một đơn vị máu sau khi lấy sẽ được đưa vào sản xuất, chiết tách ra nhiều chế phẩm khác nhau, bao gồm: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương, tủa lạnh. Chiết tách xong, mỗi chế phẩm máu phải được bảo quản ở những điều kiện nhiệt độ khác nhau, bằng hệ thống máy móc và tủ lạnh chuyên dụng… Bệnh nhân, người thì cần hồng cầu, người thì cần tiểu cầu, người chỉ cần huyết tương. Ai cần loại gì thì truyền loại đấy chứ không phải đưa cả bịch máu tươi vào trong người bệnh nhân.
Bác sĩ Lộc cho biết thêm, Bộ Y tế đã ra Thông tư 05/2017 và Thông tư 20/2020 bổ sung, sửa đổi, quy định rất cụ thể về giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn. Các Thông tư này cũng quy định rõ nội dung chi ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu, chi phí đi lại, quà tặng bằng hiện vật… cho người hiến máu tình nguyện.
“Mọi người hãy tìm hiểu thật kỹ những quy định hiện hành liên quan đến hoạt động tiếp nhận máu hiến tình nguyện. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người bệnh vẫn phải trả một phần chi phí cho công tác truyền máu. Đối với những bệnh nhân có BHYT, BHXH sẽ chi trả theo quy định. Những bệnh nhân thuộc diện nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được Nhà nước chi trả toàn bộ...”, bác sĩ Lộc chia sẻ.
Tác giả bài viết: Ngọc Nga
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn