Cùng chủ trì hội nghị với đồng chí Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy, có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh. Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các sở, ngành, địa phương, DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Du lịch Bình Định có bước chuyển mình
Cụ thể hóa Chương trình hành động 06-CTr/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022 (trong đó có nhiệm vụ và giải pháp về phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh). Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban của Tỉnh ủy, MTTQ, các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện hoặc lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan để chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: TTXVN |
Các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức thành công các lễ hội du lịch gắn với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn với quy mô, sức lan tỏa ngày càng lớn, như: Lễ hội du lịch biển năm 2022, 2023; Lễ hội đường phố năm 2022; Lễ hội Diều năm 2022; Giải Võ thuật cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ IV, năm 2022; Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2022, 2023; Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế năm 2023.... Qua đó, tạo điểm nhấn, đánh dấu sự phục hồi của ngành du lịch Bình Định; tổ chức các hoạt động kết nối, hợp tác phát triển du lịch với các công ty lữ hành lớn và các hãng hàng không để phát triển thị trường du lịch.
Du lịch Bình Định phục hồi mạnh mẽ Nhờ sự vào cuộc tích cực cùng công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch được tăng cường triển khai, ngay sau quãng thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Bình Định đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách đến Bình Định năm 2022 là hơn 4,1 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt gần 79.000 lượt), tăng 185,2% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 đón được hơn 2,7 triệu lượt khách, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2022 (Nghị quyết đề ra đến năm 2025 là 8 triệu lượt, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế). Doanh thu du lịch năm 2022 đạt 13.119 tỷ đồng, tăng 658,3% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2022. |
Tỉnh cũng tập trung thu hút khách quốc tế gắn với các chương trình thu hút đầu tư, các sự kiện ngoại giao cấp tỉnh như: Chương trình Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc năm 2022; Hội nghị ký kết hợp tác với các tỉnh Nam Lào giai đoạn 2021 - 2025; Hội nghị xúc tiến đầu tư các DN Nhật Bản tại Bình Định; ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội hữu nghị Nhật - Việt TP Sakai về phát triển du lịch, ẩm thực giai đoạn 2023 - 2025... Ngành du lịch Bình Định còn phối hợp với ngành du lịch các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Hiệp hội Du lịch 3 địa phương tổ chức Hội thảo “Tour một hành trình - ba điểm đến Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa”...
Dừng lại là tụt hậu
Đánh giá về quá trình thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU thời gian qua, đồng chí Hồ Quốc Dũng cho rằng chúng ta có thể tự hào khi ngành du lịch từng bước phát triển. Từ một địa phương ít người biết, chỉ là điểm dừng chân, nay Bình Định trở thành một điểm đến, được nhiều báo, tạp chí đánh giá cao. Tuy nhiên, để ngành du lịch trở thành mũi nhọn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nếu thỏa mãn với những gì hiện có, chúng ta sẽ nhanh chóng tụt hậu.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng du lịch Bình Định vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đồng thời nêu ra hàng loạt hạn chế cần khắc phục như: Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế; ý thức văn minh trong kinh doanh du lịch, vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được duy trì thường xuyên. Công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Bình Định đến thị trường quốc tế còn hạn chế; lượng khách quốc tế đến tỉnh đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa cao. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là thiếu các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, các loại hình dịch vụ - du lịch về đêm. Việc phát huy giá trị các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch còn những hạn chế. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ (Trung, Hàn, Nhật, Nga…).
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU xác định các giải pháp chủ yếu trong giai đoạn tiếp theo là: Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa tại các thị trường lớn của tỉnh, đồng thời mở rộng thị trường khách du lịch tiềm năng. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó, phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và làng nghề. Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định. Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp chất lượng cao. Phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý các dự án đầu tư phát triển du lịch, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
Khai thác hiệu quả đầm Thị Nại - món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho Bình Định - để phục vụ du lịch là một trong những yêu cầu được đặt ra hiện nay. - Trong ảnh: Du khách chèo SUP tham quan rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã định hướng cụ thể về trọng tâm đầu tư phát triển du lịch của từng địa phương, nhằm quyết tâm xây dựng Bình Định thành không gian văn hóa độc đáo, đa dạng hóa sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương, sở, ngành cần chủ động, tích cực phối hợp để thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra với mục tiêu nâng tầm du lịch Bình Định.
*“Chúng ta cần chọn ra và xây dựng văn hóa đặc trưng của người Bình Định để có định hướng tuyên truyền trọng tâm, tạo nét riêng và ấn tượng với du khách khi nhắc đến vùng đất này. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bởi hiện nay phần lớn là hoạt động theo kiểu tự phát. Quan tâm hơn nữa đến hạ tầng giao thông và kỹ thuật, kết nối các khu, điểm du lịch. Với TX Hoài Nhơn, hiện tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến đường lên La Vuông (xã Hoài Sơn), chúng tôi đang kêu gọi nhà đầu tư vào khu vực này. Đây là địa điểm có lợi thế khác biệt, khi có khí hậu ôn đới và chỉ cách biển khoảng 20 - 25 phút di chuyển”. Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương * “Để phát triển du lịch, thành phố đã yêu cầu các phường nội thành đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, vỉa hè thông thoáng ở các tuyến đường có nhiều du khách. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định thường xuyên tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong khâu tiếp đón, tạo ấn tượng tốt với du khách; phối hợp với Sở Du lịch xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch trên sông nước. Đồng thời, quy hoạch khu vực lặn ngắm san hô ở các vùng biển để vừa khai thác phục vụ du lịch, vừa bảo vệ cảnh quan tự nhiên. UBND TP Quy Nhơn cũng đang cho triển khai các hoạt động vui chơi trên biển, nhằm đa dạng các hoạt động, thu hút du khách”. Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Phương Nam * “Để thu hút khách quốc tế, cần có loại hình du lịch biển kết hợp với thể thao như dù lượn, lướt sóng. Cần xây dựng trung tâm thể thao biển khép kín, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm. Cùng với đó, quy hoạch tổng thể tài nguyên rừng núi bên cạnh biển đảo. Cụ thể như xây dựng vùng An Lão, Hoài Nhơn trở thành khu nghỉ mát, giảm tải áp lực lên tài nguyên biển; kết nối vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) thành liên tuyến biển nối rừng. Tăng cường các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống, kết hợp giao lưu văn hóa hiện đại phục vụ du khách về đêm theo chủ đề tại khu vực Mũi Tấn và Quảng trường Nguyễn Tất Thành, để Quy Nhơn thực sự sôi động đúng nghĩa với xu hướng du lịch biển hiện đại, tăng thu nhập bằng kinh tế đêm”. Giám đốc Chi nhánh Viettravel Quy Nhơn Hoàng Thị Thu Sen |
HOÀNG QUÂN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn