Ở TP Quy Nhơn có những mái ấm chở che cho nhiều hoàn cảnh éo le, trong đó có phụ nữ lầm lỡ, mẹ đơn thân hoàn cảnh khó khăn. Những đứa trẻ ra đời được chăm bẵm, yêu thương trong vòng tay của những “bà ngoại” đặc biệt.
“Mẹ Hoa cho tôi cuộc đời mới” 29.5.2024 là ngày đặc biệt trong đời của bé Gia Khôi (tên thường gọi là Hy), bởi đây là ngày sinh nhật đầu tiên của em, nhưng không có ông bà nội - ngoại và bố ruột bên cạnh. Cũng như bao đứa trẻ khác cùng sinh sống tại dãy nhà trọ ở khu phố 4, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), bé Hy chỉ có mẹ là người thân và một “bà ngoại” đặc biệt - bà Nguyễn Thị Hoa (quê ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát). Sở dĩ gọi là người bà đặc biệt, vì nhờ có bà Hoa, những đứa trẻ như Hy mới thuận lợi bước vào đời.
Một lần, có một mẹ bầu (quê ở huyện Tây Sơn) đến xin tá túc tại nhà bà Hoa. Tìm hiểu, bà Hoa biết được chị bị cha mẹ mắng, đuổi ra khỏi nhà do đang đi học mà có bầu. Không do dự, bà Hoa đưa chị về nhà, nói chuyện với gia đình chị, giúp họ hóa giải mâu thuẫn. “Không nơi nào bằng gia đình - mái ấm luôn dang tay che chở cho các con. Các bậc phụ huynh hãy bao dung rộng lượng hơn với những lỗi lầm của con trẻ”, bà Hoa nói.
Đã từ lâu, dãy nhà trọ mà bà Hoa làm chủ trở thành nơi tá túc của nhiều cô gái lầm lỡ và phụ nữ đơn thân. 5 năm qua, mái ấm ấy đã cưu mang 10 cô gái có số phận éo le. Lúc đầu, họ tìm đến để thuê phòng trọ nhưng chỉ đi một mình, bụng mang dạ chửa, ánh mắt man mác nỗi buồn. Trong số đó, có chị là người dân tộc thiểu số, có người là mẹ đơn thân, mồ côi cha mẹ, bị gia đình ghẻ lạnh... Bà Hoa kể, những người tới đây ai cũng có nỗi niềm riêng, chị Đ.T.T. (mẹ bé Hy, quê ở Gia Lai) cũng không ngoại lệ. Chị T. đến xin thuê trọ cách đây 1 năm. Sau khi vào ở trọ 2 tuần, cô gái tuổi đôi mươi trở dạ, phải nhờ mọi người ở xóm trọ đưa đến bệnh viện. “Cha đã không nhìn mặt con nữa vì con mang thai, bỏ học. Dù thế nào con cũng quyết sinh đứa bé”, đó là câu nói của mẹ bé Hy trước khi vào phòng sinh. “Tôi có liên lạc với gia đình để thông báo về tình hình con cái. Sau đó, mỗi ngày tôi nấu ăn và đem những bộ đồ sơ sinh vào cho cháu. Sợ nhiều người bàn tán, tôi gọi chúng là con, là cháu ngoại”, bà Hoa tâm sự. Không chỉ cưu mang những cô gái bất hạnh, bà Hoa còn giúp các cô gái gắn kết với gia đình sau bao năm trốn tránh vì mặc cảm. Có nhiều chị đã đưa con tìm về với cội nguồn, trở về với gia đình đúng nghĩa. Nếu khó quá thì bà Hoa dẫn về và hỗ trợ tiền ăn uống, sữa tã và lộ phí. Chị T. trải lòng: “Mẹ Hoa đã cho tôi và con cuộc đời mới. Bên cạnh mẹ, tôi vơi đi nỗi tủi thân và những suy nghĩ tiêu cực. Tôi bán hàng online để có thu nhập phụ giúp với mẹ nhưng mẹ không cho tôi thức khuya. Con nhỏ hay đau ốm luôn, mẹ là người luôn đồng hành cùng tôi trong bệnh viện. Các chị ở chung dãy trọ cũng được mẹ Hoa yêu thương như vậy. Tôi rất yêu quý và biết ơn mẹ”. Bình yên sau giông bão Bà Đỗ Lê Thúy Hường (nhà ở huyện Tuy Phước) đã đồng hành cùng 7 hoàn cảnh vượt cạn một mình và đưa các chị về địa phương làm giấy khai sinh cho con.
Bà Đỗ Lê Thúy Hường vui vầy bên các “cháu ngoại” dịp cuối tuần. Ảnh: N.X.
Đầu năm 2022, chị N.T.X.T. (20 tuổi, quê ở huyện Phù Mỹ) bụng mang dạ chửa đến xin việc làm tại nhà bà Hường. Qua tiếp xúc, biết chị T. là mẹ đơn thân, lại mồ côi mẹ từ sớm, bà tìm đến các gia đình có con nhỏ xin quần áo sơ sinh, mua một số đồ dùng cần thiết và dành riêng một phòng nhỏ ở nhà trọ của mình (tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) để chị T. yên tâm nuôi con. Thấy cô gái lúng túng trong mọi việc, bà Hường hướng dẫn tận tình và thường xuyên thức đêm phụ giúp chăm trẻ. “Vì cuộc sống vất vả nên tôi chưa từng nghĩ đến việc kết hôn và sinh con. Giờ bắt đầu có tuổi, tôi lại thèm khát có đứa cháu để ẵm bồng. Các cháu rất quấn bà, cứ cuối tuần lại tụ tập ở nhà để tôi được vui. Nhờ có các “cháu ngoại”, cuộc sống của tôi trở nên có ý nghĩa”, bà Hường kể. Hiện nay, nhà trọ của bà Hường có 3 mẹ đơn thân tá túc. Mỗi buổi chiều, tiếng gọi “bà ơi!” lại rộn ràng trong căn nhà vốn neo người. Sau khi các con tan làm, gia đình 3 thế hệ lại quây quần bên nhau ăn cơm tối và vui vẻ trò chuyện. Đó là thời khắc bình yên mà bà Hường khao khát, cũng là niềm an ủi rất lớn của những cô gái đơn độc. Mọi người xem nhau như người một nhà, dù nhà trọ ấy không phải là nơi mình được sinh ra. NGUYỄN XUÂN