Những tấm gương bình dị mà cao quý

Thứ sáu - 17/05/2024 14:34
Tháng 5 về, cả dân tộc lại bồi hồi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm kính yêu vô hạn. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người - kết tinh từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại - như mạch ngầm mạnh mẽ lan tỏa, ngấm sâu vào tâm thức của mỗi người. Ðể trong cuộc sống hôm nay, chúng ta bắt gặp nhiều con người bình dị mà cao quý như “Người đang tỏa sáng trong ta” (“Sáng tháng Năm”, thơ Tố Hữu).
Chị Nguyễn Thị Thúy Ái (bìa trái) hạnh phúc với hành trình làm “người bắc cầu” cho nhà hảo tâm đến với các em nhỏ khó khăn. Ảnh: D.L
Chị Nguyễn Thị Thúy Ái (bìa trái) hạnh phúc với hành trình làm “người bắc cầu” cho nhà hảo tâm đến với các em nhỏ khó khăn. Ảnh: D.L
Kỳ 1: Như dòng sông chảy, nặng phù sa…(*)
Tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao quý làm nên chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Di chúc của Người viết rằng: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Tựa như những dòng sông chở nặng phù sa ôm ấp lấy những cánh đồng, ngày hôm nay, tình yêu thương của Người không ngừng được tiếp nối.
Dành trọn tình yêu cho trẻ thiệt thòi
Chị Hồ Mỹ Như Thảo (29 tuổi, ở phường Bình Định, TX An Nhơn) được mọi người gọi vui là bà mẹ đông con. Chị hiện là mẹ ruột của một em bé và là mẹ đỡ đầu của 5 trẻ mồ côi. Biết rằng hành trình làm mẹ (dù là mẹ ruột hay mẹ đỡ đầu cho các con đến năm đủ 18 tuổi) chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi điều kiện kinh tế không quá khá giả, nhưng chị Thảo vẫn chọn gánh vác, san sẻ.
 
Chị Hồ Mỹ Như Thảo (bìa trái) vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh trao quà hỗ trợ của nhà hảo tâm cho gia đình em N.P.H.K. bị bỏng nặng. Ảnh: NVCC
Thời điểm hiện tại, chị Thảo đang tiếp tục vận động nhà hảo tâm đỡ đầu thêm cho một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý là trường hợp của em Đoàn Nữ Hoàng Yến (13 tuổi, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) mồ côi cha đã 10 năm nay. Mẹ của Yến là trụ cột duy nhất của gia đình với thu nhập từ công việc làm bánh kẹo thuê cho các cơ sở gần nhà để có thể nuôi Yến, anh trai của Yến (đang học cao đẳng), ông ngoại già yếu và em họ của Yến - bé Phan Ngọc Như Ý (11 tuổi).
Chị Thảo chia sẻ: “Là một người mẹ, tôi hiểu việc chăm sóc một đứa trẻ, nhất là trong bối cảnh hiện tại, cần rất nhiều thứ. Nếu nhà hảo tâm còn ủng hộ, đồng hành, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận đỡ đầu Yến, Ý và nhiều bé nữa… Mong muốn lớn nhất của tôi là các con không chỉ nhận được một suất hỗ trợ học phí, mua dụng cụ học tập… mà còn cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu thương để bớt thiệt thòi”.
Cho rằng mọi đứa trẻ đều xứng đáng được hưởng tình yêu thương và lớn lên một cách đủ đầy, hạnh phúc, chị Nguyễn Thị Thúy Ái (32 tuổi, Phó Chủ nhiệm CLB Thắp sáng ước mơ thuộc Hội LHTN Việt Nam xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) đã trở thành người kết nối để mang món quà từ tâm về với trẻ em khó khăn trên quê hương. 10 năm trôi qua, chị vẫn giữ nguyên tinh thần nhiệt tình, hết mình vì trẻ em. Không chỉ là những món quà, phần tiền hỗ trợ, chị Ái còn kết nối với nhiều hội nhóm thiện nguyện, tổ chức các chương trình giao lưu, dạy một số kỹ năng mềm, giúp trẻ thêm tự tin, vượt qua mặc cảm.
Nhìn lại chặng đường làm “người bắc cầu” cho những tấm lòng nhân ái đến với những đứa trẻ quê mình, chị Ái tâm sự: “Tôi thấy hạnh phúc vì mình có thể san sẻ với những em nhỏ khó khăn, vì được mọi người tin tưởng gửi gắm phần tình cảm của họ để chuyển đến các em. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cho chương trình nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 với dự kiến tặng 10 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho học sinh có nguy cơ phải nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn và 20 phần quà là bộ sách giáo khoa (500 nghìn đồng/phần)”.

Người với người sống để yêu nhau
Ngoài đỡ đầu trẻ mồ côi, chị Hồ Mỹ Như Thảo còn giúp đỡ nhiều người bằng chính công việc mưu sinh của mình. Sở hữu một phòng chăm sóc sức khỏe cơ - xương - khớp (tại phường Bình Định, TX An Nhơn), chị đã dành suất chăm sóc, trị liệu miễn phí cho một số trường hợp đặc biệt. Trường hợp ông Võ Xuân Tiến (52 tuổi, ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) bị tai biến liệt nửa người, vợ mới mất để lại 4 đứa con là một ví dụ. Chị Thảo cũng kết nối, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Tháng 3.2024, từ số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ, chị trực tiếp vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) để trao hơn 600 triệu đồng cho em N.P.H.K. (3 tuổi, ở huyện Phù Cát) bị bỏng 85%.
 
Chị Lê Thị Ái Quỳnh trao quà cho người nhà bệnh nhân nghèo. Ảnh: NVCC
Từng trải qua khó khăn vì bệnh tật, chị Lê Thị Ái Quỳnh (38 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đồng cảm với sự vất vả của những người xung quanh. Chị trở thành “gương mặt thân quen” ở chính nơi mình sống và đặc biệt là khoa Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh). Khi có những trường hợp khó khăn, mọi người đều gọi cho chị để có thêm một sự giúp đỡ. Vừa qua, chị đã trao gần 24 triệu đồng cho bệnh nhân Lê Công Hiếu (23 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh sau TNGT nghiêm trọng, gãy 1 chân, hôn mê sâu, bị hoại tử nửa não trái. Anh Hiếu không có BHYT, cha anh mất khả năng lao động, mẹ làm phụ hồ, vợ làm công nhân và đang mang thai 7 tháng.
Mang trái tim dễ rung cảm, chị Quỳnh không ngần ngại hỗ trợ mọi người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngay cả trong giai đoạn mang thai và sinh con, chị vẫn giúp đỡ mọi người trong khả năng. Chị chia phần sữa của con mình và xin thêm sữa cho các bé thiếu sữa mẹ.
Đồng hành cùng chị Quỳnh nhiều năm, bà Quang Cẩm Thu, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Dù bận bịu chăm sóc 3 con nhỏ nhưng Quỳnh chưa bao giờ từ chối giúp đỡ người khó khăn. Quỳnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp đỡ nhiều người vượt qua giai đoạn khó khăn, có niềm tin với cuộc sống”.
Trao đi sự sống
Những năm qua, Bình Định có nhiều tấm gương sáng về các hoạt động nhân đạo, đặc biệt là hoạt động hiến máu cứu người. Trong số hàng trăm con người không ngần ngại chia sẻ giọt máu hồng, có những gia đình có sự tham gia của tất cả cha con, anh em, dâu rể. Có thể kể đến 2 gia đình có hơn 70 lần hiến máu tình nguyện đang được Hội CTĐ tỉnh đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là gia đình ông Nguyễn Thanh Ca (68 tuổi, ở khu phố Trung Hóa, phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) và gia đình anh Nguyễn Ngọc Phúc (43 tuổi, ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn). Với họ, máu là món quà ý nghĩa mà ai cũng có thể trao tặng khi có đủ điều kiện về sức khỏe. Họ cũng là những tuyên truyền viên tích cực cho phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương.
Thầm lặng nhưng không kém phần mạnh mẽ, quyết liệt, nhiều người đã chọn đăng ký hiến tạng, hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết, chết não. Cho đến nay, toàn tỉnh đã có 45 người đăng ký và được Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cấp thẻ. Với họ, giây phút đặt bút vào trang đăng ký và cầm tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng thật ý nghĩa. Bởi một sự sống mới, những điều ý nghĩa cho y học và sức khỏe con người sẽ được bắt đầu khi họ nhắm mắt xuôi tay.
Tháng 2.2024, “chú lính chì” Nguyễn Minh Châu, chàng trai khuyết tật quê ở Bình Định, đã dừng lại hành trình của mình ở tuổi 20. Gia đình đã cùng nhau điền vào đơn tự nguyện hiến thi hài, hoàn thành di nguyện hiến xác cho y học mà Châu ấp ủ. Nước mắt của rất nhiều người đã rơi vì câu chuyện nghị lực, kiên cường của Châu, vì khao khát được làm những điều thật ý nghĩa cho cuộc đời ngay cả khi cuộc sống kết thúc.
N.MUỘI - T.KHUY - D.LINH
(*) Thơ Tố Hữu (Bài “Theo chân Bác”).
• Kỳ 2: Sáng tạo, trách nhiệm với công việc

 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây