Hai ngày cuối tuần qua, PV Báo Bình Ðịnh đã tham gia Ðoàn cứu trợ của Hội CTÐ tỉnh ra vùng lũ tỉnh Quảng Trị, trao quà cho người dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ðiều đọng lại sâu sắc sau chuyến đi là, nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, rách lành đùm bọc của đồng bào ta vẫn luôn ngời sáng, nhất là khi có thiên tai địch họa. Và một điều nữa, hoạt động cứu trợ sẽ chủ động, hiệu quả hơn khi được thực hiện một cách bài bản, có tổ chức.
Sáng 28.10, ông Chiến dẫn cả đoàn đến TX Quảng Trị tặng quà cho người dân vùng lũ. Chừng hiểu sự băn khoăn của chúng tôi, ông Chiến giải thích: “Bởi tiếng là thị xã nên hầu như chưa có đoàn nào đến đây cứu trợ cả. Kỳ thực, TX Quảng Trị nằm trong vùng trũng sâu của tỉnh, đợt mưa lũ này toàn địa bàn ngập chìm trong nước”. Nơi chúng tôi đến trao quà là vùng đất cao nhất thị xã, khi nước lũ rút, bùn còn dày hơn 20 cm. Ở đây có nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo, tài sản cứ theo bệnh tật mà đi hết, nhà cửa cũ nát không tiền sửa chữa, nước lũ dâng cao, người bệnh ở trong nhà, cứ vậy chịu trận. Để chứng minh, ông Chiến dẫn chúng tôi đến trao quà cho 20 hộ có người khó khăn như vậy. Tại nhà ông Nguyễn Lâm Huế (72 tuổi, khu phố 4, phường 3, chạy thận nhân tạo đã 7 năm), nhiều thành viên trong Đoàn vô cùng xót xa khi nhìn thấy cảnh nhà, đã góp thêm 2 triệu đồng gởi tặng. Một số hộ gia đình đặc biệt khó khăn cũng ở ngay thị xã như nhà ông Nguyễn Văn Sinh, bà Phạm Thị Sâm, bà Nguyễn Thị Huyền Trang (khu phố 1, phường 3), nhà ông Lê Minh Nhất (khu phố 8, phường 3)…, nhà nằm sát bờ sông, trống huơ trống hoác, cứ chực đổ ập xuống, giống như phận người ốm đau bế tắc trong bão lũ vậy. Trước khi đoàn quay về Bình Định, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ TX Quảng Trị, đã nắm thật chặt tay từng thành viên của đoàn nói lời cảm ơn, và gởi gắm chân thành: “Có ai muốn ra Quảng Trị cứu trợ, hãy cho số điện thoại của tôi hoặc anh Chiến nhé. Chúng tôi không nhận hàng đâu nhưng sẽ dẫn mọi người đi đến đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Những ngày qua, đã có không ít đoàn đi mà không liên hệ trước với địa phương, không biết trao cho ai, gặp ai trao nấy, quà dư nhiều thì bỏ dọc quốc lộ, ai muốn lấy thì lấy, thấy phí quá”. Cứu trợ những gì người dân cần Dọc dài đường cứu trợ, Đoàn nghe được rất nhiều chuyện liên quan đến việc cứu trợ các tỉnh miền Trung. Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Hà Văn Cát cứ xuýt xoa khi biết chuyện một hộ dân vùng lũ Quảng Bình nhận đến 50 thùng mì tôm, trong khi cách đó không xa, một vài hộ nhiều ngày qua đói, khát. Rồi chuyện những người khỏe mạnh chèo ghe, thuyền ra nhận hàng cứu trợ trong khi những người già, ốm đau hoặc không có ghe, thuyền thì chỉ biết ở trong nhà vẫy tay hoặc hét lớn (mà thường là không có ai nghe, thấy được). Hay chuyện tài xế một tỉnh Tây Nguyên không thông thuộc địa hình nhưng khăng khăng phải chuyển đến tay từng người dân nguyên một container mì tôm. “Tài xế ấy nói rằng nhà hảo tâm muốn ông trao tận tay từng người dân như vậy. Chính quyền bảo nơi ông muốn đến không an toàn tính mạng. Họ chỉ dẫn ông đi trao ở một vài hộ, còn lại thì tập hợp người dân đến nhận. Vậy mà tài xế đó vẫn không chịu...”, một người đi đường kể lại.
“Tôi kêu gọi mọi người hãy tổ chức công tác cứu trợ thật an toàn, đúng đối tượng, nhu cầu người dân vùng lũ, để việc làm của mình mang lại thật nhiều lợi ích và ý nghĩa!”. Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh HÀ VĂN CÁT
Cũng trong chuỗi thông tin liên quan đến việc cứu trợ chúng tôi góp nhặt từ thực tế và qua lời kể của nhiều người trong chuyến cứu trợ vừa qua, đã có hàng nghìn bánh chưng, bánh tét bị hỏng vì bảo quản không tốt, hàng tấn quần áo cũ đến tay người dân mà họ không dùng được vì quá cũ, rách, hàng đống nhu yếu phẩm chất hai bên đường trong khi những người dân đang còn phải lội bì bõm trong nước lũ hoặc bùn sình không thể ra nhận hoặc không tiện nhận trong thời điểm hiện tại vì không biết để đâu, dùng vào việc gì… Vì vậy, trên mạng xã hội những ngày qua đã có nhiều lời kêu gọi: Hãy cứu trợ những gì người dân cần chứ không phải cho họ những gì mình có. Bình Định đang khẩn trương ứng phó với bão số 9. Nhiều tổ chức, nhóm thiện nguyện lo xa đang bàn việc vận động nguồn lực cứu trợ kịp thời dân mình nếu bị thiệt hại do bão. Song song với việc này, họ còn tích cực kêu gọi nguồn lực tiếp tục hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do đợt bão lũ vừa qua, mà có thể sẽ còn thiệt hại hơn do bão số 9. “Từ những điều tai nghe mắt thấy và qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi kêu gọi mọi người hãy tổ chức công tác cứu trợ thật an toàn, đúng đối tượng, nhu cầu người dân vùng lũ, để việc mình làm mang lại thật nhiều lợi ích và ý nghĩa”, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Hà Văn Cát nói.